Công tác chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản đã được Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành Trung ương và địa phương quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là phát triển xuất khẩu. Nước ta đã nhân rộng, phát triển các vùng sản xuất nông sản tập trung theo hướng chất lượng cao, an toàn, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ, phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hình thành các chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Ðến nay, cả nước đã có 463.000ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương, tăng 33.000ha so với năm 2020. Có 16.991ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương, tăng 1.158ha so với năm 2020. Ðến nay, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 69,4% (năm 2021 là 68,8%), các xã này đều đảm bảo tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo ATTP. Ðến nay, cả nước đã có 7.463 sản phẩm đạt theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, tăng 46% so với năm 2021. Hiện các địa phương đã xây dựng và phát triển được 1.668 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn…
Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã có các báo cáo sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản 5 tháng năm 2022 và kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022. Ðồng thời, đã phổ biến, hướng dẫn, triển khai Ðề án Ðảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu các địa phương quan tâm phối hợp thực hiện để tiếp tục nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản trong thời gian tới. Cụ thể như: quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng làm cơ sở phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường, tạo đầu ra thuận lợi cho nông lâm thủy sản đạt chất lượng và an toàn. Ðẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản Việt. Tiếp tục hoàn hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để triển khai hiệu quả công tác quản lý chất lượng, ATTP… Tham dự hội nghị, các đại biểu cũng đã đề xuất thêm nhiều giải pháp và chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc bộ và địa phương cần xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề án cụ thể để thực hiện tại địa phương, đơn vị mình, đồng thời cần có sự phối hợp tốt với nhau. Ðể nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản, Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, có mã số vùng đảm bảo truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt… để đảm bảo chất lượng và an toàn và gắn kết với các doanh nghiệp chế biến và nhà tiêu thụ để hình thành các chuỗi. Ðồng thời, quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân và chú ý thực hiện tốt việc quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản tại các chợ xã, từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng…
* Tại hội nghị, diễn ra hoạt động ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với UBND TP Cần Thơ về đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giữa Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2022-2025. Mục đích của Chương trình này nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với TP Cần Thơ và các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với các hoạt động bảo quản, chế biến sản phẩm, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…
Báo Cần Thơ