HTX Bưởi đỏ giữ gìn 'báu vật' làng Đông Cao

Bình luận · 191 Lượt xem

Một trong những đặc sản của huyện Mê Linh, Hà Nội là giống bưởi đỏ do HTX Bưởi đỏ Đông Cao sản xuất. Với màu đỏ mận từ trong ra ngoài, vị chua dịu không đắng "độc quyền" đã đem lại lợi nhuận lớn cho thành

Nhằm bảo tồn gen và duy trì giống cây bưởi đỏ, đồng thời phát triển kinh doanh thương mại đặc sản của địa phương, HTX Bưởi đỏ Đông Cao được thành lập cuối năm 2018.

 

Giống bưởi đỏ Đông Cao được coi là “báu vật” của người dân xã Tráng Việt, bởi đây là "món quà" truyền đời của cha ông. Hiện nay, cả xã Tráng Việt có khoảng 40 hộ trồng bưởi đỏ với khoảng 2.000 cây đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao. Mỗi năm có khoảng 30.000 quả bưởi xuất ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc. 

 

“Loại bưởi này đã có cách đây 50 - 60 năm nay, và được thu hoạch từ tháng 8 – 12 âm lịch. Một số đơn vị muốn mua bưởi đỏ phải đặt trước 2 tháng. Các cây lâu đời từ 30 - 40 năm cho sản lượng khoảng 200 quả một năm; cây từ 10 – 20 năm có khoảng 90 – 120 quả. Dịp Tết, bưởi sẽ có giá bán cao hơn, đem lại doanh thu tương đối lớn cho HTX", Giám đốc HTX Bưởi Đỏ Đông Cao, Lương Văn Phương chia sẻ với VnBusiness.

Đến nay, bưởi đỏ Đông Cao đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc, mã QR. Khách hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR, các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình trồng sẽ thể hiện rõ ràng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy thương hiệu bưởi đỏ vươn tầm quốc tế, xuất khẩu sang các thị trường châu Á và châu Âu.

 

Lưu giữ giống bưởi quý

 

Có thể nói, gia đình Giám đốc HTX Lương Văn Phương là hộ trồng nhiều và gắn bó lâu nhất với bưởi đỏ ở làng Đông Cao cũng như xã Tráng Việt.

Ông Phương chia sẻ: “Từ cây bưởi đỏ có tuổi đời 50 - 60 năm do cha ông để lại, mới đầu nghĩ đó là cây bưởi bình thường nhưng sau một lần thương lái bỏ sót nên mới thấy quả bưởi lên màu đỏ. Từ đó, tôi tiến hành chiết cành rồi bán cho các thành viên của HTX và người dân trong thôn. Tôi cũng thu mua những cây bưởi có tuổi đời lâu năm mà người dân buộc phải bỏ trong quá trình canh tác, sản xuất rau màu khác. Đến nay, gia đình tôi có hơn 2.000 cây bưởi đỏ ở năm thứ 5 và và hàng trăm gốc bưởi có tuổi đời từ 25 - 30 năm đang cho thu hoạch vài nghìn quả mỗi năm”.

 

Cây bưởi đỏ được hình thành sau quá trình ươm tạo khoảng 5 - 6 tháng sẽ được đưa vào công đoạn ghép. Sau quá trình chăm sóc, chăm bón, khoảng tầm 3 năm, cây bưởi bắt đầu cho thu hoạch.

 

"Để có được những cây bưởi đỏ chất lượng, việc chăm sóc những cây bưởi giống từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Mới đây, chúng tôi đã sử dụng phân bón hữu cơ và cho ra quả bưởi ngọt và dày múi hơn rất nhiều. Theo đó, trước khi trồng bưởi giống phải xử lý kỹ đất trồng, luống phải đảm bảo độ cao tiêu chuẩn và đảm bảo khoảng cách gieo trồng", ông Phương tiết lộ.

 

Kinh tế cải thiện nhờ bưởi đỏ

 

Khoảng vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của nhiều kênh thông tin, truyền thông đã lan tỏa đến người tiêu dùng, nhờ đó thương hiệu bưởi đỏ Đông Cao dần được khẳng định vị thế trên thị trường. Mỗi năm đến mùa thu hoạch, HTX sẽ tiêu thụ 3 vạn quả bưởi, doanh thu lên đến 2 tỷ đồng.

Bưởi đỏ Đông Cao được bán với giá rất cao, có những cặp bưởi to đẹp được bán nửa triệu đồng mà vẫn "cháy hàng" mỗi dịp Tết cận kề. Nhờ có giống bưởi này mà những năm gần đây, người dân Đông Cao đã ăn nên làm ra, thậm chí nhiều gia đình vươn lên thành hộ khá giả, giàu có.

 

Bên cạnh những thuận lợi về kinh tế thì việc mở rộng diện tích trồng bưởi của thôn Đông Cao vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn. Ngoài ra, HTX hiện nay đang thiếu kênh tiêu thụ liên kết bền vững, chủ yếu là thương lái đến tận vườn thu mua. Để gìn giữ, phát triển mô hình trồng, ông Phương cùng các thành viên trong HTX đang nỗ lực tìm kiếm thị trường ổn định, mong muốn có cơ hội đưa sản phẩm bưởi đỏ Đông Cao vào các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước và đưa bưởi đỏ ra thị trường quốc tế.

Bình luận