Hộ đê ở tỉnh có nhiều vùng đất thấp hơn mực nước biển

Bình luận · 202 Lượt xem

Tỉnh Thái Bình xác định nếu vỡ đê bất cứ chỗ nào thì một nửa Thái Bình có thể bị ngập sâu từ 2 - 4m trở lên.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra một điểm neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão. Ảnh: Toán Nguyễn.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra một điểm neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hệ thống đê điều bảo vệ cả tỉnh Thái Bình

Tỉnh Thái Bình có 4 con sông chảy qua: Phía bắc và đông bắc có sông Hóa dài 35km; phía bắc và tây bắc có sông Luộc (phân lưu của sông Hồng) dài 53km; phía tây và nam là đoạn hạ lưu của sông Hồng dài 67km, sông Trà Lý (phân lưu cấp 1 của sông Hồng) chảy qua giữa tỉnh từ tây sang đông dài 65km; toàn bộ phía đông và đông nam giáp biển.

"Quê hương 5 tấn" cũng được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê cửa sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài khoảng 585km. Do vậy hệ thống công trình đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống lũ, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân, cũng như thành quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, cao trình mặt đất tự nhiên của Thái Bình rất thấp, về mùa lũ mực nước sông thường cao hơn mặt đất tự nhiên từ 3 - 5m.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Khương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình nói, tỉnh có hơn 100.000ha đất nông nghiệp (chiếm khoảng 2/3 diện tích đất tự nhiên) và cơ bản đời sống nhân dân là trồng lúa, hoa màu.

Bao quanh Thái Bình có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, nhiều sông lớn chảy qua và nhiều vùng có cốt nền thấp hơn mặt biển tới hơn 1m. Vì vậy hệ thống đê điều có vai trò vô cùng quan trọng, bảo vệ an toàn cho đời sống của toàn bộ người dân và nền kinh tế của Thái Bình.

Tỉnh xác định nếu vỡ đê bất cứ chỗ nào thì một nửa Thái Bình có thể bị ngập sâu từ 2 - 4m trở lên. Nếu vỡ đê biển bất cứ chỗ nào thì hàng ngàn ha đất canh tác bị nhiễm mặn phải cải tạo, thau rửa vài chục năm mới hồi phục được. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn tối đa cho hệ thống đê sông, đê biển là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Nếu xảy ra vỡ đê tại bất cứ điểm nào ở Thái Bình thì có thể sẽ làm cho một nửa diện tích của tỉnh bị ngập sâu từ 2 - 4m. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nếu xảy ra vỡ đê tại bất cứ điểm nào ở Thái Bình thì có thể sẽ làm cho một nửa diện tích của tỉnh bị ngập sâu từ 2 - 4m. Ảnh: Toán Nguyễn.

Để chủ động trong công tác quản lý vận hành hệ thống thuỷ lợi và sẵn sàng trong công tác phòng, chống lụt, bão, Sở NN-PTNT Thái Bình phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê điều, kịp thời đưa công trình vào chống lũ và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão; thường xuyên kiểm tra hiện trạng, phát hiện những hư hỏng có nguy cơ đe dọa an toàn đê điều; phối hợp với các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến đê, khu vực trọng điểm theo phương châm "4 tại chỗ"

Sẵn sàng hộ đê, chống lũ bão

Ngay từ những ngày đầu tháng 4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã ban hành Chỉ thị số 07 tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi; chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023.

Huy động mọi nguồn lực của địa phương chủ động xử lý những sự cố đê điều, thủy lợi mới phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão; Tu bổ thêm các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố có thể xảy ra khi có lũ, bão.

Đối với những sự cố đê điều đã xảy ra trong các mùa lũ bão trước, cần đặc biệt quan tâm và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành việc xử lý; đồng thời lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa lũ, bão năm 2023.

Cống Tân Lập, một trong những công trình nằm trên đê biển của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Võ Việt.

Cống Tân Lập, một trong những công trình nằm trên đê biển của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Võ Việt.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, đối với các công trình đang thi công, Sở NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành xong trước mùa lũ, bão. Đối với các hạng mục xây dựng cống qua đê, cắt đê, đào xẻ đê phải có phương án đảm bảo an toàn công trình khi lũ, bão xảy ra.

Đặc biệt, phải kiểm tra, đánh giá toàn bộ hệ thống công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn, phát hiện, xử lý ngay giờ đầu các hư hỏng, sự cố đê điều, thủy lợi phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão. Bố trí lồng ghép các nguồn lực của địa phương, trung ương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng những công trình đột xuất, cấp bách bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo phòng chống thiên tai. Kịp thời đưa các công trình phục vụ chống lũ, bão năm 2023.

Đối với những cống qua đê đã xảy ra sự cố những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được vận hành trong điều kiện có lũ cao hoặc cống đang thi công cần phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm trong quá trình vận hành, chuẩn bị đầy đủ các phương án huy động nhân lực, vật tư phương tiện để xử lý các sự cố có thể xảy ra trong suốt mùa mưa, lũ bão đối với các cống yếu, các cống là trọng điểm xung yếu, các cống có khẩu độ lớn.

Sông Luộc bao bọc phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sông Luộc bao bọc phía tây bắc của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một vấn đề cũng được quan tâm, là việc bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc, nhằm nâng cao an toàn công trình thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng, đảm bảo ứng phó ngay khi có sự cố xảy ra, bảo đảm thực hiện việc xử lý sự cố công trình theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng bị thiên tai gây ra.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo các phòng, ban chức năng, xã, phường, thị trấn ven đê tổ chức lực lượng thực hiện việc tuần tra, canh gác đê điều theo cấp báo động theo quy định của Bộ NN-PTNT.

Tỉnh Thái Bình rất quan tâm tới việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng chống lũ, bão, giảm nhẹ thiên tai; vận động nhân dân chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình, cộng đồng dân cư và tích cực phòng chống lũ, bão, giảm nhẹ thiên tai của địa phương; tổ chức bổ túc kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai cho cán bộ mới được bổ nhiệm phụ trách lĩnh vực phòng, chống thiên tai…

Bình luận