Khoa học và công nghệ thủy lợi phục vụ phát triển bền vững

Bình luận · 251 Lượt xem

Là một trong những đơn vị tiên phong nghiên cứu, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam có nhiều đóng góp trong giải quyết vấn đề khó của thủy lợi tại khu vực Nam bộ.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam là Viện vùng trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, với chức năng nghiên cứu khoa học phục vụ các dịch vụ công ích của nhà nước; tham gia đào tạo sau đại học, hợp tác quốc tế; tư vấn và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, môi trường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trao đổi cùng Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng trong chuyến kiểm tra sạt lở tại Tiền Giang. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trao đổi cùng Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng trong chuyến kiểm tra sạt lở tại Tiền Giang. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhằm chào mừng kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (19/8/1978 - 19/8/2023), ngày 18/8, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức Hội thảo "Khoa học và công nghệ thủy lợi phục vụ phát triển bền vững" với sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia cũng như các địa phương.

Theo PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (gọi tắt là Viện - PV), đây là dịp để cùng nhìn lại chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển của Viện trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Viện đã có nhiều đóng góp cho Chính phủ, Bộ, ngành, giải quyết nhiều vấn đề khó của ngành thủy lợi tại khu vực Nam bộ.

Trong bối cảnh hiện nay, khu vực Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã và đang đứng trước những vận hội, thách thức lớn, đặc biệt các thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nước, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Song song đó, quá trình phát triển nội tại và tác động thượng nguồn đã làm thay đổi quy luật dòng chảy về ĐBSCL thời gian qua là minh chứng cho những thách thức biến động về nguồn nước và môi trường. Những vấn đề đó đã đặt ra cho ngành Khoa học Thủy lợi những bài toán lớn, rất nan giải nhưng cần phải giải quyết, nhằm mục tiêu góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam.

Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 120 của Chính phủ đặt ra đối với khu vực ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội thảo khoa học lần này, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam trình bày một số kết quả khoa học công nghệ tiêu biểu của Viện như công nghệ xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; Ứng dụng khoa học công nghệ mới trong thiết kế, thi công xây dựng và quản lý vận hành các công trình kiểm soát nguồn nước vùng triều ở ĐBSCL và TP.HCM; Ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành hệ thống công trình thủy lợi và giám sát chất lượng nước...

"Đây là những lĩnh vực mà Viện đã có bề dày kinh nghiệm nghiên cứu xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển", PGS.TS Trần Bá Hoằng nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và các đia phương đã trao đổi, thảo luận về các nội dung khoa học trong lĩnh vực thủy lợi, cũng như những khó khăn trong thực tiễn hiện nay tại các tỉnh ĐBSCL.

Qua đó, các đại biểu cũng gửi gắm mong muốn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tiếp tục đề xuất thực hiện các đề tài khoa học, giải quyết được các vấn đề chiến lược của đất nước, của ngành, nghiên cứu chuyên sâu, chuyển giao và ứng dụng thành công các kết quả khoa học công nghệ vào thực tế.

Dấu ấn nổi bật trong hoạt động khoa học và công nghệ

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã và đang thường xuyên thực hiện công tác dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn và nguồn nước trên các hệ thống công trình thủy lợi vùng ĐBSCL và xác định được khả năng lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô.

Hàng ngày, hàng tuần, Viện đều có báo cáo nhanh về Bộ NN-PTNT và các địa phương vùng ĐBSCL, đồng thời cung cấp số liệu cho các cơ quan truyền thông để thông tin phục vụ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Viện đã đạt được một số kết quả nổi bật về thủy nông, tài nguyên nước và môi trường; Chỉnh trị, bảo vệ bờ sông, bờ biển và phòng chống thiên tai; Xây dựng công trình thủy lợi; Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng thủy lợi; Ứng dụng mô hình toán, công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý (GIS).

Bình luận