Chính phủ Canada hỗ trợ Hà Nội triển khai dự án an toàn thực phẩm vì sự phát triển

Bình luận · 723 Lượt xem

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Hà Nội xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững, từ đó, góp phần triển khai hiệu quả chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thức phẩm (ATTP), nâng cao chất


Đại diện Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) và Sở NNPTNT Hà Nội ký kết triển khai kế hoạch phối hợp “Hỗ trợ Hà Nội xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững”

Ngày 11/8, tại Hà Nội, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NNPTNT) cùng với Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức lễ ký kết và khởi động triển khai kế hoạch phối hợp “Hỗ trợ Hà Nội xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững”.
Ông Hoàng Thái Ninh, Giám đốc Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển-SAFEGRO” cho biết, mục tiêu của kế hoạch phối hợp là hỗ trợ Hà Nội xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững. Từ đó, góp phần triển khai hiệu quả chương trình phối hợp đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh thành phố giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể cần đạt, đó là, hỗ trợ xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững (dự kiến từ 7-8 chuỗi); hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tổ chức truyền thông quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại một số sản phẩm thuộc chuỗi; nâng cao năng lực cán bộ quản lý chất lượng ATTP cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố liên kết thực hiện chương trình.
Nội dung chính của kế hoạch phối hợp triển khai bao gồm: Khảo sát và nhận diện sản phẩm có nguy cơ cao về ATTP, xác định chuỗi và tác nhân tham gia mô hình thí điểm; xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý chất lượng ATTP cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố liên kết tham gia thực hiện chương trình; xây dựng quy trình hướng dẫn triển khai chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm một số chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tổ chức truyền thông quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử một số sản phẩm chuỗi giá trị.
Các yếu tố về bình đẳng giới, phụ nữ, thế hệ trẻ, nông dân nghèo sẽ được quan tâm và lồng ghép trong các nội dung triển khai. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy tạo ra sự thay đổi trong xây dựng, phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững.
Thời gian triển khai được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2022) khảo sát, xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ nâng cấp một số chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản. Giai đoạn 2 (2023) tiếp tục triển khai hỗ trợ và kiểm chứng mô hình. Giai đoạn 3 (2024-2025), tổng kết đánh giá và nhân rộng mô hình.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển/Trưởng ban Hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị liên quan trong việc soạn lập, chuẩn bị, hoàn thiện kế hoạch và tổ chức lễ ký kết kế hoạch phối hợp.
"Dự án ATTP vì sự phát triển là dự án do Chính phủ Canada tài trợ và kết quả sẽ được sử dụng bởi Chính phủ Việt Nam. Trong thời gian qua, do một số lý do nên tiến độ triển khai thực hiện dự án có độ trễ so với kế hoạch. Chính vì vậy, tất cả các đơn vị tham gia cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy dự án lấy lại đà, bắt kịp tiến độ dự kiến", ông Brian Allemekinders chia sẻ tại lễ ký kết.
Ông Brian Allemekinders bày tỏ tin tưởng cả phía Chính phủ Canada và Chính phủ Việt Nam đã cam kết thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách coi đây là một vấn đề xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, vấn đề bình đẳng giới sẽ được lồng ghép trong tất cả các hoạt động của dự án bất kể được thực hiện ở địa điểm nào.
Về phía Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Phó Trưởng ban chỉ đạo dự án) cho biết, dự án ATTP vì phát triển, được tài trợ bằng nguồn vốn không hoàn lại của Chính phủ Canada ra đời hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng.
Theo ông Tiệp, dự án không chỉ tác động, can thiệp để cải thiện hệ thống đảm bảo ATTP mà còn góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, hình thành chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững.
Ông Tiệp kỳ vọng, với những bước đi chắc chắn, xây dựng chương trình hợp tác bài bản, các hoạt động của dự án sẽ đạt được những thành công ngoài mong đợi; đảm bảo vấn đề ATTP phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Thành công của chương trình phối hợp sẽ trở thành nội hàm rất lớn của dự án. Bởi lẽ, bên cạnh những hoạt động trong chương trình hợp tác, dự án hướng tới những mục tiêu bao quát trên diện rộng là tập trung rà soát, đề xuất cải thiện thể chế, chính sách pháp luật về ATTP.
Tuy nhiên, muốn đạt được những kết quả đó, các đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, trong quá trình triển khai dự án phải thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tiến độ, nắm bắt những bất cập để đưa ra phương án giải quyết kịp thời.

(Dân việt)

Bình luận