TP.HCM hướng tới ngành nông nghiệp 4.0 gắn với hoạt động du lịch sinh thái

Bình luận · 237 Lượt xem

Năm 2022, ngành nông nghiệp TP.HCM đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu nông sản trong tình hình dịch Covid-19.

TP.HCM hướng tới ngành nông nghiệp 4.0 gắn với hoạt động du lịch sinh thái. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TP.HCM hướng tới ngành nông nghiệp 4.0 gắn với hoạt động du lịch sinh thái. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Báo cáo tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của TP.HCM 2021 do Cục thống kê TP.HCM tổ chức chiều 29/12, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM cho hay, do tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến cho nhiều đơn vị sản xuất ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng.

Năm 2021, nông lâm thủy sản của Thành phố giảm 13,68%. Nguyên nhân do TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, các chợ truyền thống và chợ đầu mối, chuỗi thức ăn công nghiệp, các trường học đóng cửa để phòng dịch. Trong khi đó, sản xuất ngành nông nghiệp của Thành phố đa phần cung ứng cho thị trường chợ truyền thống, chợ đầu mối, chuỗi thức ăn công nghiệp và trường học. Còn hệ thống siêu thị thì đa phần lấy nguồn hàng từ các tỉnh thành.

Mặt khác, diện tích trồng hoa cây kiểng giảm nhẹ, lượng hoa thu hoạch không tiêu thụ được. Thủy sản, gia cầm… cũng giảm. Nhiều nông hộ, trang trại, một số doanh nghiệp kéo giãn việc sản xuất để tránh ảnh hưởng trực tiếp các rủi ro. “Trong đợt dịch vừa qua, số lượng bán ra các mặt hàng như nghêu, sò ốc hến (huyện Cần Giờ); cá tra, cá rô phi (huyện Củ Chi) cho các nhà hàng giảm. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM cùng Hội Nông dân TP.HCM và một số siêu thị đã phải hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân”, ông Hiệp cho hay.

Nói về định hướng sắp tới của ngành nông nghiệp Thành phố, ông Hiệp cho hay, năm 2022 với tinh thần thích ứng an toàn phòng chống dịch Covid-19, tăng cường phục hồi kinh tế, ngành nông nghiệp Thành phố tạo đà trở lại theo hướng để tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành đạt 6% (năm 2021 đề ra khoảng từ 2-5%). Ngành nông nghiệp Thành phố mong muốn làm sao hồi phục lại sản xuất và tạo sự gia tăng mới cho bà con nông dân.

Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tập trung vào thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt nhất là xuất khẩu nông sản trong tình hình dịch Covid-19. Đẩy mạnh chương trình phát triển giống cây con, công nghệ cao; cũng như chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định 1589.

“Chúng tôi sẽ rà soát lại các chính sách, các chương trình để làm sao tháo gỡ được khó khăn và đẩy mạnh việc chuyển dịch sang đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản có lợi hơn cho người nông dân. Đặc biệt nhất, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Trong thời gian qua, TP cũng đã nỗ lực để đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung xây dựng hướng tới ngành nông nghiệp 4.0 gắn với hoạt động du lịch sinh thái”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM cho hay.

Bên cạnh đó, TP.HCM có kế hoạch thành lập Trung tâm sản xuất Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, tạo thu nhập tốt cho bà con nông dân.

Mô hình nuôi cá trê tại xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mô hình nuôi cá trê tại xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Hiện nay, nhu cầu của các tỉnh thành phía Nam có nhu cao về các giống rau, heo. Sở tập trung để hỗ trợ cho hộ nông dân sản xuất được giống cũng như chuyển giao được cho các tỉnh thành. Bên cạnh đó, theo định hướng của lãnh đạo TP.HCM làm sao nối kết các nông hộ lại để hình thành lên các Hợp tác xã và gắn kết với các doanh nghiệp để hình thành lên chuỗi liên kết. Từ đó, hướng tới sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho bà con nông dân, cũng như hướng tới cung cấp nguồn hàng bền vững cho các hệ thống siêu thị”, ông Hiệp thông tin.

Về chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, ông Hiệp cho biết, Thành phố đang chờ Thủ tướng có quyết định chính thức về chương trình MTQG xây dựng NTM theo các tiêu chí mới, cũng như chương trình mỗi xã một sản phẩm. “Đây là hướng phát triển nông thôn, cũng như phục vụ được việc gắn kết chuỗi nông sản và đẩy mạnh chế biến sâu nông sản, tạo ra những sản phẩm mới từ đó giới thiệu được sản phẩm của địa phương gắn với OCCOP tạo giá trị mới cho sản xuất nông nghiệp”, ông Hiệp nói.

Hiện ngành nông nghiệp Thành phố đã thực hiện chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa một vụ, hiệu quả kém sang các các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, tôm nước lợ…

Bình luận