Việc làm xanh đang trở thành xu hướng tại Việt Nam

Bình luận · 213 Lượt xem

Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững và có những cam kết mạnh mẽ trong vấn đề này, từ đó kéo theo số lượng việc làm xanh ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, nhu cầu việc làm xanh cao nhất hiện ?

Sản xuất là một trong những ngành có nhu cầu cao về việc làm xanh. Ảnh minh họa.
Sản xuất là một trong những ngành có nhu cầu cao về việc làm xanh. Ảnh minh họa.

Tại Hội thảo “Kỹ năng xanh vì tương lai bền vững” do ManpowerGroup Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tổ chức ngày 24/8, các chuyên gia đã chia sẻ về vai trò quan trọng của kỹ năng xanh và việc làm xanh trong việc hình thành chiến lược ESG (thường được sử dụng để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) của các doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP NGÀY CÀNG CHÚ TRỌNG ĐẾN YẾU TỐ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo các chuyên gia, ESG  không còn là hoạt động “có thì tốt” đối với các doanh nghiệp tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việc kết hợp ESG trong các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đã trở thành điều cốt lõi, giúp doanh nghiệp hướng đến mục tiêu tạo ra tác động tích cực và thúc đẩy sự phát triển trong môi trường kinh doanh.

Vì thế, các lãnh đạo cần thay đổi từ ý định tốt sang việc tạo ra các giá trị thực tiễn, đẩy mạnh các ưu tiên ESG, tạo nên sự khác biệt góp phần thu hút vốn đầu tư lẫn nhân tài.

Theo báo cáo “Cuộc săn tìm nhân tài ESG” (The Search for ESG Talent 2022) của ManpowerGroup, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2022, tỷ lệ “nhân lực xanh” tăng từ 9,6% lên 13,3%. Ước tính đến năm 2050, thị trường sẽ có hơn 300 triệu vị trí công việc văn phòng cần “kỹ năng xanh" trên toàn cầu.

Báo cáo Phát triển bền vững của Deloitte 2023 CxO cũng cho thấy, có tới 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát xem “biến đổi khí hậu” là một trong những yếu tố cấp bách nhất cần được quan tâm vào năm tới, chỉ đứng nhì sau yếu tố “triển vọng kinh tế” (44%). Điều đó thể hiện rõ vai trò quan trọng của phát triển bền vững.

Chia sẻ về chiến lược của Deloitte trong việc hướng tới phát triển bền vững, ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Tư vấn Thuế và Phó Tổng Giám đốc phụ trách phát triển nguồn nhân lực, Deloitte Việt Nam, cho biết Deloitte Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động liên quan đến chiến lược WorldClimate - một trong những sáng kiến của Deloitte toàn cầu trong việc đưa ra các dịch vụ đồng hành cùng khách hàng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

“Sáng kiến này bao gồm từ việc hoạch định chiến lược, phối hợp và triển khai các yếu tố bền vững trong quy trình vận hành đến việc đảm bảo các quy định, yêu cầu về tuân thủ quy định, tuân thủ về thuế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các tổ chức và chuỗi giá trị. Ngoài ra, phát hiện, phát triển và tạo điều kiện cho những nhân tài có kỹ năng xanh cũng là một ưu tiên hàng đầu trong các chương trình hành động vì mục tiêu phát triển bền vững của Deloitte”, ông Phan Vũ Hoàng nhấn mạnh.

Là công ty đa quốc gia trong lĩnh vực tuyển dụng, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam, cũng nhận thấy rõ nhu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt số lượng việc làm xanh ngày càng gia tăng tương đồng với sự ra đời của rất nhiều vị trí mới liên quan ESG có bộ kỹ năng xanh phù hợp.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Theo bà Hương, ESG ngày nay trở thành một nhu cầu cấp thiết của thế giới việc làm, chứ không còn là một kỳ vọng xa vời. Người lao động ngày nay mong đợi rất nhiều ở nhà tuyển dụng, thể hiện qua con số 55% người lao động tham gia một khảo sát cho biết những cam kết DEIB (sự đa dạng, bình đẳng, hòa nhập và thuộc về) của doanh nghiệp là một yếu tố cực kỳ quan trọng với họ khi đánh giá nhà tuyển dụng.

NHU CẦU NHÂN SỰ XANH ĐANG GIA TĂNG Ở NHIỀU NGÀNH NGHỀ

Trong khi đó, bà Cao Lê Thanh Loan, Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Nam, ManpowerGroup Việt Nam, cũng chia sẻ rằng xu hướng chuyển đổi bền vững đang tăng cao. Thời gian qua, đơn vị này đã thực hiện hàng trăm đơn hàng tuyển dụng, cho thuê lại lao động và khoán việc trong mảng việc làm xanh.

Các đối tác của công ty đa phần là các đơn vị, tập đoàn đa quốc gia có chiến lược vững chắc về ESG, cùng nhau mong muốn tạo ra giá trị phát triển bền vững, mang đến thành công cho doanh nghiệp và cổ đông, đối tác của họ.

Báo cáo của Manpower Việt Nam về nhu cầu nhân sự xanh, thống kê trên 350 vị trí việc làm xanh tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 cũng cho biết, nhu cầu việc làm xanh cao nhất đến từ các ngành sản xuất (30%), y tế (20%), công nghệ (17%), năng lượng và hóa dầu (15%), kinh doanh (9%), nông nghiệp (5%), vận tải và hậu cần (2%)...

Bà Loan cho biết 5 vai trò ESG hàng đầu trên toàn cầu bao gồm những vị trí liên quan đến môi trường, sức khỏe và an toàn, phúc lợi thể chất và tinh thần, phát triển bền vững, tái chế và quản lý rác thải, quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

TS. Lê Tiến Dũng, phụ trách Hỗ trợ sản xuất và Kinh doanh hạt giống Bayer khu vực APAC, nhánh Khoa học Cây trồng chia sẻ: “Tập đoàn Bayer đặt chiến lược phát triển theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mang tính toàn diện cùng các đối tác, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đến với người dân trong tình hình dân số gia tăng và già đi, nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm. Trong các hoạt động chúng tôi luôn hướng tới giảm phát thải carbon, thân thiện với môi trường, và duy trì đa dạng sinh học”.

Các chuyên gia tại hội thảo cũng thống nhất rằng, việc xây dựng chiến lược ESG đã và đang giúp doanh nghiệp, người lao động và thế giới nói chung tiến tới phát triển bền vững.

 “Trong hành trình vươn tới cam kết đó, chìa khóa thành công chính là việc hoạch định và quản trị nhân tài có bộ kỹ năng xanh phù hợp”, Giám đốc nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam Nguyễn Thanh Hương nhấn mạnh thêm.

Bình luận