Tân Phú là huyện vùng cao của Đồng Nai, có Vườn Quốc gia Cát Tiên nổi tiếng cả nước. Nơi đây còn được nhiều người biết đến là cái nôi của nghề trầm hương Đồng Nai, nổi tiếng nhất là làng trầm hương ở xã Phú Trung.
Cơ sở sản xuất trầm hương của ông Trương Thanh Khoan (xã Phú Trung) nổi tiếng với sáng chế độc quyền tạo trầm trên cây dó bầu từ nhiều năm nay. Ông Khoan cho biết ông vốn là người từng lội rừng săn trầm. Do nguồn trầm hương rừng dần cạn kiệt, từ năm 2000, ông bắt đầu trồng cây dó bầu để sản xuất trầm nhân tạo.
Theo ông Khoan, trầm được hình thành do quá trình cây dó bầu bị tổn thương, thân cây tiết ra nhựa dầu để bảo vệ và phục hồi ở vị trí đó. Qua thời gian dài, nhựa dầu tích tụ và biến thành tụ trầm hương. Hiện nay, nhiều nơi đang sử dụng phương pháp cấy trầm bằng hóa chất, vừa ảnh hưởng tới môi trường, vừa mang nhiều rủi ro khiến cây bị chết, trầm tạo ra thơm gắt khác với trầm hương tự nhiên... Tuy nhiên với ông Khoan, ngay thời điểm trồng cây dó bầu, ông đã mày mò thử nghiệm, vừa sử dụng yếu tố sinh học, vừa kết hợp với một số loại hóa chất bơm vào thân cây dó để tạo trầm.
Kết quả thử nghiệm với lứa cây đầu tiên thành công, ông từng bước nghiên cứu và loại bỏ dần hóa chất. Đến nay, thuốc cấy trầm được làm hoàn toàn bằng men vi sinh với những nguyên liệu tự nhiên, hữu cơ như mật ong, cám ngô, đường mật, tinh dầu dừa… Phương pháp tạo chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương của ông Khoan đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2016.
Sau khi nắm được bí quyết tạo trầm, để nâng cao giá trị cho sản phẩm trầm do chính tay mình làm ra, ông Khoan tiếp tục mày mò nghiên cứu phương pháp lấy tinh dầu trầm và các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến gỗ trầm.
Theo đó, để có được thiết bị sản xuất tinh dầu và nước cất từ trầm, ông Khoan phải cùng thợ tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ nồi nấu trầm bởi thời điểm này trên thị trường không có sản phẩm cơ khí nào dành riêng cho nghề nấu tinh dầu trầm.
Đối với các nồi nấu tinh dầu, hiện chủ yếu dùng bằng nồi hàn bằng inox và đun bằng củi, thành phẩm thường không sạch, kém thơm, kém hiệu quả. Nồi ông Khoan tự sáng tạo ra chạy bằng điện và có lớp cách nhiệt nên dù mỗi nồi trầm hương phải nấu liên tục trong 24 tiếng, nhiệt độ xung quanh vẫn không thay đổi, sản phẩm làm ra đảm bảo sạch và giữ được hương thơm đặc trưng của dầu trầm.
“Với 3 nồi nấu tinh dầu hiện có, mỗi nồi khoảng 30kg cây trầm tươi được xay vụn và cho vào nồi nấu trong 24 tiếng. Mỗi nồi trầm tôi thu về 4,8ml tinh dầu trầm (1ml tinh dầu trầm có giá từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng) và 120 lít nước cất trầm hương (giá bán 50 ngàn đồng/lít)”, ông Khoan chia sẻ.
Bên cạnh việc làm tinh dầu và nước cất từ trầm hương, ông Khoan còn chọn những cây gỗ trầm có hình dáng đẹp để tạo ra sản phẩm trầm cảnh. Với những cây được chọn, sau khi lớp trầm trên cây được sủi ra, những người thợ lành nghề bắt đầu tạo dáng cho phần thân cây còn lại. Hiện tại, ông Khoan đang có 2 người thợ sủi và tạo dáng trầm hương được UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen thợ giỏi. Đây là những người thợ do chính tay ông Khoan đào tạo.
“Đặc điểm của cây trầm là không bị mối mọt, không thay đổi màu sắc. Đây cũng là điều khiến trầm hương sạch khác với các loại trầm được tạo từ hóa chất. Với những cây trầm được tạo từ hóa chất, chỉ sau một thời gian cây sẽ bị ố vàng, xuống sắc”, ông Khoan cho hay.
Với những sáng tạo của mình, hiện nay các sản phẩm về trầm hương của ông Khoan được khách hàng ưa chuộng. Hiện tại, ông đang cung cấp tinh dầu trầm và nước cất trầm cho các đối tác. Đặt biệt, sản phẩm tinh dầu trầm của ông Khoan đã đạt OCOP 4 sao, đủ điều kiện xuất khẩu sang Hàn Quốc, Canada…
“Do sản phẩm trầm hương có giá trị kinh tế cao nên không ít người sử dụng hóa chất kích trầm, ngoài ra không ít cơ sở sản xuất tinh dầu và các sản phẩm liên quan trầm hương kém chất lượng, ảnh hưởng tới uy tín ngành trầm. Vấn đề tạo thương hiệu cho các sản phẩm trầm hương sạch rất cần sự nỗ lực chung của cả cộng đồng người dân trồng trầm trong và ngoài tỉnh, chứ không chỉ riêng tôi”, ông Khoan chia sẻ.
Trần Trung