Cuối tháng 8 vừa qua, xã Bình Nam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) công bố đạt chuẩn NTM. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và người dân xã này suốt chặng đường dài vừa qua.
Nhìn lại thời điểm từ lúc bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM cách đây 10 năm (từ năm 2013), ông Phạm Công Quốc, Chủ tịch UBND xã Bình Nam thừa nhận, những khó khăn mà địa phương này đã trải qua là không hề nhỏ. Vốn là xã bãi ngang ven biển, Bình Nam có điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng từ giao thông cho đến thủy lợi, trường học rất hạn chế.
Kinh tế lúc bấy giờ của xã hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng điều kiện sản xuất thô sơ, lạc hậu, nhiều vùng trồng lúa phụ thuộc vào nước trời, năm được năm mất. Người dân chủ yếu khai thác thủy sản ven bờ nên sản lượng, giá trị thương phẩm thấp. Các vùng nuôi trồng thủy sản cũng liên tục bị dịch bệnh hoành hành, hộ nuôi thua lỗ, một số diện tích phải bỏ hoang.
Từ thực tế đó so sánh với hiện nay thì Bình Nam có thể thấy, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã thật sự mang đến sự đổi thay rất lớn cho địa phương này. Từ cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đều có bước chuyển mình tích cực. Có được kết quả này ngoài sự chỉ đạo của chính quyền địa phương thì vai trò và sự đồng thuận của người dân là rất lớn.
“Trong số 259 tỷ nguồn lực đầu tư xây dựng NTM suốt 10 năm qua thì đóng góp của người dân lên đến hơn 50 tỷ. Với phương châm gõ cửa từng nhà, mưa dầm thấm lâu trong công tác tuyên truyền mà rất nhiều hộ dân hợp tác, giúp đỡ chính quyền trong nhiệm vụ xây dựng NTM. Nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất, vật kiến trúc, cây trồng để lấy quỹ đất xây dựng các công trình, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các mục tiêu đề ra”, ông Quốc chia sẻ.
Cũng theo ông Quốc, đến nay, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn đều được cứng hóa. Hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư bài bản, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho người dân. Vào năm 2016, địa phương cũng đã thành lập được HTX nông nghiệp Bình Nam hoạt động có hiệu quả. Đơn vị này không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 12 lao động mà còn hỗ trợ cho bà con nông dân trong việc ứng dụng kỹ thuật, liên kết sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế.
“Bình Nam cũng đã có đội tàu với 62 chiếc có công suất từ 250CV trở lên đánh bắt xa bờ mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại giá trị cao như chăn nuôi gà theo quy mô nông trại, trồng lạc, sen, nuôi dê, cá trích Fillet.
Người dân trong độ tuổi lao động được làm việc ở các khu công nghiệp với mức lương ổn định. Nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt hơn 47 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, chỉ còn 3,9%”, ông Cường thông tin.
Với những kết quả đã đạt được, xã Bình Nam đang đề ra mục tiêu duy trì và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn, hướng đến xã NTM nâng cao vào năm 2025. Mặc dù vậy, để có thể hoàn thành địa phương này cũng đang rất cần sự quan tâm của chính quyền huyện, tỉnh, đặc biệt là đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung. Ở ven biển nên nguồn nước của người dân thường xuyên bị nhiễm mặn. Trong khi thời gian qua chỉ có 1 số tổ chức, cá nhân nhỏ xây dựng các công trình giếng khoan, đáp ứng được nhu cầu cho 1 vài nhóm hộ