Không chỉ sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn ngân sách, trong 30 năm hoạt động (1993 - 2023), Khuyến nông Nghệ An đều tiếp cận và tranh thủ khai thác hiệu quả nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án trong nước và quốc tế. Từ đó chủ động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của công tác khuyến nông, đồng thời từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất.
Nổi bật có thể kể đến dự án “Đào tạo và khuyến nông dựa vào cộng đồng” với kinh phí 90.000 USD từ nguồn hỗ trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, áp dụng cho 4 huyện thuộc 2 tỉnh Thanh hóa và Nghệ An từ năm 2007 - 2009. Tại Nghệ An, 2 huyện được thụ hưởng dự án này là Quế phong và Quỳ Hợp.
Hay như tại hợp phần "Nâng cao năng lực hoạt động khuyến nông cơ sở" của Dự án Khoa học công nghệ Nông nghiệp (vốn vay ADB) với mức đầu tư trên 2 triệu USD, tương ứng 42 tỷ đồng, hoạt động trong 6 năm (từ 2007 - 2012). Với hợp phần của dự án này, Khuyến nông Nghệ An đã triển khai 133 hợp đồng xây dựng các mô hình khuyến nông cho hộ nghèo tại 19 xã nghèo thuộc 12 huyện trong tỉnh với 5.764 hộ tham gia. Ngoài ra còn cung cấp các thiết bị phục vụ công tác tập huấn, thông tin truyền thông cho tất cả 20 trạm khuyến nông của tỉnh; tổ chức 17 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, cấp huyện, xã và thôn bản.
Một số dự án điển hình khác đã được Khuyến nông Nghệ An triển khai rất có hiệu quả, đó là chương trình “Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI” và Dự án “Nông nghiệp thông minh thích nghi với biến đổi khí hậu" được triển khai từ năm 2010 - 2013 do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tài trợ. Qua các chương trình, dự án này, đã nâng cao năng lực về nhận thức và phương pháp, kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và kỹ năng sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu cho nông dân.
Gần đây, Khuyến nông Nghệ An cũng đã và đang triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2024, hứa hẹn sẽ mang lại được đột phá lớn…
Bên cạnh đó, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An còn tranh thủ sự giúp đỡ của Viện Lân - Kali châu Á - Thái Bình Dương; Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới; Ngân hàng Thế giới hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình bón phân hợp lý, trồng cây ăn quả gắn với canh tác bền vững bảo vệ môi trường; đào tạo nâng cao năng lực, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và cung cấp thiêt bị mới cho 5 trạm khuyến nông (Trạm Khuyến nông huyện Nam đàn, Hưng nguyên, Nghi lộc, thị xã Cửa lò và Thành phố Vinh...).