Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước

Bình luận · 223 Lượt xem

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, cấp phép chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi TP. HCM.

 

TP.HCM: Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đạt kế hoạch

Có cần thành lập Sở An toàn thực phẩm?

TP.HCM xin ý kiến về việc lập Sở An toàn thực phẩm

 

Kỳ họp thứ mười một (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP. HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 19/9, đã thông qua Nghị quyết thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. HCM. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

 

Sau khi được thành lập, Sở An toàn thực phẩm TP. HCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. HCM có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp phép chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP.HCM từ Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Sở Công thương.

 

Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng sẽ đồng thời chấp hành chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương.

 

Theo UBND TP. HCM, sau hơn 6 năm thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM (kết hợp lực lượng từ 3 Sở: Y tế, Công Thương, NN-PTNT), đây là giai đoạn chín muồi để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân sống và làm việc tại TP. HCM, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.

 

Việc xây dựng một cơ quan chuyên môn nhằm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành là hết sức cần thiết.

 

"Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. HCM là một nỗ lực tháo gỡ, tìm giải pháp của Thành ủy và UBND thành phố trước yêu cầu cấp thiết đảm bảo an toàn thực phẩm tại một đô thị lớn, không ngừng phát triển như TP. HCM. Hoạt động hiệu quả của mô hình này chính là vì lợi ích của người dân, để cộng đồng được an tâm và an toàn sử dụng thực phẩm", UBND thành phố nêu.

 

TP. HCM là đô thị đặc biệt với khoảng 10 triệu người, nếu tính cả khách vãng lai khoảng 13 triệu người. Với vai trò trung tâm kinh tế cộng thêm nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho khối lượng dân cư có mật độ lớn nhất cả nước đã dẫn đến việc TP. HCM trở thành đầu mối lưu thông một lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu.

 

Do đó, trong thời gian qua công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trên toàn diện các lĩnh vực, trong đó thể chế quản lý an toàn thực phẩm cũng không ngừng hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế và trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở, của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm được nâng cao.

 

Tuy nhiên, về cơ chế chính sách pháp luật, về thực trạng sản xuất chế biến phân phối thực phẩm, cũng như trong tổ chức bộ máy, hoạt động phối hợp liên ngành vẫn còn nhiều thách thức, rào cản, bất cập,... đặc biệt là tại TP. HCM - trung tâm sản xuất lưu thông và tiêu thụ thực phẩm lớn của cả nước.

 

Trước đó, ngày 24/6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8. Trong đó, tại khoản 1 Điều 9 có quy định, HĐND TP. HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. HCM.

 

Ban An toàn thực phẩm TP. HCM là mô hình thí điểm được Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày 10/8/2012, kết hợp lực lượng từ 3 Sở: Y tế, Công thương, NN-PTNT. Hiện cả nước có 3 Ban An toàn thực phẩm tại: TP. HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh.

Bình luận