Ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại một số tỉnh vùng duy

Bình luận · 108 Lượt xem

Ngày 24/7/2023, tại Quảng Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật pha


Toàn cảnh diễn đàn

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, trong giai đoạn 2010 – 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ tăng gấp 1,2 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,2%/năm (tăng từ 618.600 ha năm 2010 lên 750.000 ha năm 2022), sản lượng tăng 1,7 lần, tăng trưởng bình quân 4,5%/năm (tăng từ 443.700 tấn lên 1.014.200 tấn). Sản lượng tôm nuôi tăng chủ yếu tập trung vào tôm chân trắng (tăng từ 119.700 tấn năm 2010 lên 735.000 tấn năm 2022). Cơ cấu về diện tích và sản lượng nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TCT) có sự thay đổi đáng chú ý, trong giai đoạn này nuôi tôm chân trắng tăng nhanh cả về diện tích và sản lượng, tăng bình quân tương ứng là 12,8%/năm và 13,04%/năm (diện tích nuôi tôm thẻ tăng gấp 3,2 lần từ 38.000 ha lên 121.658.000 ha và sản lượng TCT tăng khoảng 3,7 lần).

Vùng trọng điểm nuôi tôm của cả nước đứng đầu là đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 93,3% về diện tích thả nuôi và 87,7% sản lượng, đứng thứ 2 là khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa) với 3,1% diện tích nuôi và 6,3% về sản lượng tôm của cả nước, khu vực miền Bắc và Đông Nam Bộ có diện tích và sản lượng tôm nuôi tương ứng chiếm 3,7% và 5,8% của cả nước. Giá trị xuất khẩu tôm nuôi nước lợ cũng có những biến động rất lớn, năm 2010 giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 1,85 tỷ USD đến năm 2022 đạt 4,2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 17,5%/năm.

Tại Quảng Bình, năm 2022, toàn tỉnh đã thả nuôi 1.480 ha diện tích nuôi tôm nước lợ (tôm sú 281 ha; tôm thẻ chân trắng 1.199ha), tăng 7% so với năm 2021. Sản lượng tôm nuôi đạt 4.145 tấn (tôm sú 240 tấn, tôm thẻ chân trắng 3.905 tấn) tăng 0,9% so với năm 2021. Các cơ sở sản xuất giống đã sản xuất được 3.409,9 triệu tôm thẻ chân trắng và 15 triệu tôm sú, tăng 62,4% so với năm 2021. Đến nay một số vùng nuôi được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối đảm bảo để phát triển nuôi thủy sản với hình thức thâm canh, nuôi công nghệ cao như vùng nuôi tôm trên ao đất tại vùng nuôi tôm tập trung Phúc Thuận - Ba Đồn; vùng nuôi tôm Bắc Nam sông Gianh tại Hạ Trạch, Đồng Trạch, Mỹ Trạch - Bố Trạch; Quảng Châu - Quảng Trạch,... và vùng nuôi tôm trên cát tại xã Ngư Thủy Bắc - Lệ Thủy; Hải Ninh - Quảng Ninh...

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai các dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tuần hoàn, nuôi tôm xen ghép, nuôi hướng hữu cơ, VietGAP, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại Việt Nam.

Mô hình nuôi tôm nước lợ điển hình là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường. Mô hình thực hiện tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình triển khai áp dụng quy trình trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường. Năng suất của mô hình nuôi đạt 36,01 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trên 1,4 tỷ đồng/ha/vụ. Ứng dụng hệ thống cảnh báo môi trường tự động nên chủ động kiểm soát các khâu kỹ thuật trong quy trình nuôi giúp quản lý tốt các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, độ mặn, ôxy hoà tan, từ đó giảm rủi ro, thiệt hại, giảm công chăm sóc và giám sát môi trường ao nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nuôi đồng thời đáp ứng được nhu cầu về cung cấp tôm nguyên liệu sạch (không kháng sinh) cho các công ty xuất khẩu thủy sản.

Nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa các mô hình nuôi tôm nước lợ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai các giải pháp chính, trong đó có giải pháp về hoạt động xây dựng mô hình, dự án khuyến nông như tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi thương phẩm tôm nước lợ; ưu tiên mô hình ứng dụng công nghệ cao, nuôi hữu cơ, nuôi xen ghép các đối tượng thuỷ sản; sử dụng chế phẩm vi sinh, nuôi tôm hướng hữu cơ; ứng dụng công nghệ thông tin giám sát môi trường, dịch bệnh, quản lý sức khoẻ tôm nuôi; tích hợp đa giá trị (công nghệ, tổ chức quản lý, chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường...)./

T.H

Bình luận