Nông nghiệp chuyển dịch tích cực nhờ cơ cấu lại

Bình luận · 41 Lượt xem

Với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từ năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tiến hành cơ cấu lại sản xuất theo lĩnh vực và vùng sản xuất. Nhờ đó, sản xuất nông, lâ

Nâng cao giá trị gia tăng

Với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất theo lĩnh vực, tỉnh tập trung phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh tiến hành rà soát, xác lập các vùng sản xuất tập trung để định hướng phát triển đối với các cây trồng chủ lực (như chè, lúa, rau, hoa, cây ăn quả...); đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng các giống cây có năng suất cao, chất lượng tốt và áp dụng quy trình canh tác an toàn, hữu cơ. Đồng thời tăng tỷ trọng cây ăn quả, rau nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới...

Nhờ đó đến nay, giá trị thu được từ ngành Nông nghiệp tăng đáng kể. Riêng trong 9 tháng năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 8.400 tỷ đồng.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa thủy lợi (đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường); khuyến khích đầu tư tăng diện tích nuôi thâm canh đối với ao gia đình bằng các giống cá có năng suất và giá trị kinh tế cao; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung đối với các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có nhiều chuyển biến, nhiều diện tích đã được chuyển sang nuôi thâm canh và bán thâm canh với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao (9 tháng qua, sản lượng thủy sản ước đạt 11,8 nghìn tấn). Dự ước năm 2024, giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 250 tỷ đồng.

Từ việc cơ cấu lại các lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm và đạt hiệu quả cao hơn. 9 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản trong toàn tỉnh ước đạt 11.800 nghìn tấn.
Từ việc cơ cấu lại các lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm và đạt hiệu quả cao hơn. 9 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản trong toàn tỉnh ước đạt 11,8 nghìn tấn.

Đối với sản xuất lâm nghiệp, tỉnh quan tâm phát triển rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững; đẩy mạnh việc sử dụng giống cây lâm nghiệp theo phương pháp nuôi cấy mô; triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tạo vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ. Theo đó, năm nay giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt trên 330 tỷ đồng…

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng việc cơ cấu lại nền nông nghiệp theo lĩnh vực đang phát huy hiệu quả khi hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phát triển các vùng sản xuất tập trung

Trước đây, sản xuất nông nghiệp của Thái Nguyên chưa được quan tâm phát triển theo vùng. Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất tập trung. Cụ thể, với 22.500ha chè (diện tích cho sản phẩm 21.100ha), Thái Nguyên đã hình thành một số vùng sản xuất chè tập trung tại các xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Phúc Hà, Sơn Cẩm của TP. Thái Nguyên; Phúc Thuận, Phúc Tân, Bắc Sơn, Thành Công, Vạn Phái, Minh Đức ở TP. Phổ Yên; Tân Linh, Phú Lạc, Yên Lãng, Hoàng Nông, Tiên Hội, Phú Cường, Phúc Lương, Bản Ngoại, La Bằng, thị trấn Quân Chu, Tân Thái, Phú Xuyên, Đức Lương, Minh Tiến, Phú Thịnh, thuộc huyện Đại Từ.

Ngoài ra, vùng sản xuất chè tập trung còn được hình thành tại 10 xã của Đồng Hỷ, 8 xã của Phú Lương, 8 xã của Định Hóa và 2 xã của Võ Nhai.

Ngoài ra, với trên 14.000ha cây ăn quả hiện có, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, như sản xuất na tại các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến, Bình Long (Võ Nhai), Quang Sơn, Tân Long (Đồng Hỷ)…, tiến tới là các xã Yên Lạc, Yên Đổ, Yên Ninh (Phú Lương), Phượng Tiến, Tân Dương (Định Hóa). Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, sở dĩ tiến tới hình thành các vùng sản xuất na tập trung ở những vùng này là do điều kiện thổ nhưỡng, đất đai khá tương đồng với các xã đang phát triển na lớn ở Võ Nhai.

Về cây bưởi, tỉnh bước đầu hình thành được vùng sản xuất tại huyện Đại Từ, tập trung ở các xã, thị trấn: Tiên Hội, Bản Ngoại, Hoàng Nông, Quân Chu; Võ Nhai tập trung tại Tràng Xá, Dân Tiến, Liên Minh, Phương Giao, Phú Thượng, Lâu Thượng; Đồng Hỷ tập trung tại xã Hợp Tiến, Văn Hán, Khe Mo, Văn Lăng, Cây Thị, Tân Lợi, Tân Long, Nam Hòa…

Không dừng ở đó, Thái Nguyên còn hình thành được vùng sản xuất gỗ, sản phẩm tập trung ở Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ… trong đó cây trồng chủ lực là keo lai.

Với nhiều nỗ lực, cơ cấu Ngành nông nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển tăng trưởng dựa vào tăng số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế về sản xuất và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm lợi thế, đặc sản của địa phương; duy trì, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Nhờ đó, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn dần được cải thiện, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cơ cấu kinh tế nội ngành hiện nay đã có sự chuyển dịch tích cực khi nông nghiệp chiếm 94,2% (trồng trọt 46,1%, chăn nuôi 47,4%, dịch vụ nông nghiệp 6,5%); lâm nghiệp 3,2% và thủy sản 2,6%.

Bình luận