Tọa đàm “Phát triển khuyến nông cộng đồng vùng ĐBSCL”

Bình luận · 192 Lượt xem

Chiều 5/9/2023, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT)tổ chức buổi Tọa đàm “Phát triển Khuyến nông cộng đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Giám đốc


Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: NNVN)

Buổi tọa đàm đánh giá lại kết quả 1 năm thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển khuyến nông cộng đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm, kết quả đạt được cũng như các giải pháp phát triển mạng lưới khuyến nông cộng đồng trong thời gian tới.

Ngày 25/3/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Quá trình tổ chức thực hiện, Đề án đã triển khai thành lập thí điểm 26 tổ khuyến nông cộng đồng tại 13 tỉnh, thành thuộc 5 vùng nguyên liệu: Cây ăn trái ở miền núi phía Bắc; gỗ rừng trồng chứng chỉ ở Duyên hải miền Trung; cà phê Tây Nguyên; lúa gạo ở vùng Tứ giác Long Xuyên và cây ăn trái ở Đồng Tháp Mười.

Trong đó, khu vực ĐBSCL có 5 tỉnh, thành tham gia Đề án gồm: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An với 10 tổ khuyến nông cộng đồng và hiện đã mở rộng thêm 356 tổ.

Qua hơn 1 năm triển khai thí điểm đề án, trên cả nước đã mở rộng thêm 30 tỉnh, thành phố, thành lập được 3.500 tổ khuyến nông cộng đồng. Riêng tại khu vực ĐBSCL, một số địa phương nằm ngoài vùng thí điểm của Đề án nhưng đã củng cố và thành lập được các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả ở hầu hết các xã xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, kết quả đến thời điểm hiện tại của Đề án là ngoài mong đợi. Mặc dù Đề án đang trong giai đoạn thí điểm nhưng các địa phương liên tục nhân rộng các tổ khuyến nông cộng đồng và hình thức hoạt động cũng trở nên đa dạng, có hiệu quả. Quan trọng nhất là kết nối cộng đồng tham gia vào hoạt động khuyến nông. Ông Thanh khẳng định, nhiều tổ khuyến nông cộng đồng đã kết nối được với các doanh nghiệp, xây dựng phát triển các HTX sản xuất, đặc biệt là hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.

Hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang tiếp tục xây dựng và đúc kết kinh nghiệm từ kết quả thực tế thí điểm Đề án thời gian qua để điều chỉnh và xây dựng các nguyên tắc cơ bản cho hoạt động khuyến nông cộng đồng.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu khẳng định khuyến nông cộng đồng có vai trò rất quan trọng và kiến nghị tới đây ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo và có các hỗ trợ cần thiết nhằm thu hút nguồn nhân lực cho xây dựng, phát triển các tổ khuyến nông cộng đồng và nhân rộng mô hình khuyến nông hiệu quả.

Các đại biểu cũng thẳng thắn trình bày, chia sẻ về khái niệm, vai trò, vị trí của công tác khuyến nông ở cơ sở trong sản xuất nông nghiệp, vai trò của công tác khuyến nông trong gắn với các nhiệm vụ liên kết sản xuất, tập trung vào vùng nguyên liệu nâng cao các mặt hàng chủ lực, tổ chức hình thức hoạt động, các chính sách cho cán bộ khuyến nông cũng như bàn các giải pháp và định hướng phát triển mạng lưới khuyến nông cộng đồng trong thời gian tới hiệu quả trong hoàn cảnh hiện nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp năng động nên hoạt động khuyến nông rất đa dạng, do đó cần tổng kết, bổ sung, hoàn thiện vào hoạt động khuyến nông cho cả nước.

Các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông các tỉnh thành, các doanh nghiệp cần phối hợp, đồng lòng xây dựng nội dung hoạt động cho các Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu các địa phương.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn các địa phương và ngành nông nghiệp khi xây dựng đề án thành lập các Tổ Khuyến nông độc lập cần có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể từng tháng, quý, năm; trong đó, cần phải có các nội dung hỗ trợ cho nông dân về thông tin thị trường, tổ chức các lớp tập huấn về các mô hình sản xuất, về ứng dụng công nghệ số…

Thứ trưởng cũng yêu cầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tìm nguồn kinh phí từ Chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng khuyến nông tại các địa phương hoạt động hiệu quả đồng thời cho biết nguyên tắc xây dựng cán bộ khuyến nông cộng đồng là tự nguyện, trách nhiệm, công khai, dân chủ và có sự giám sát của cộng đồng và nhà nước.

Các doanh nghiệp cần phối hợp với lực lượng này để tổ chức cho nông dân sản xuất hiệu quả, đúng định hướng. Cán bộ khuyến nông cộng đồng chính là trung gian kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, nhà khoa học và doanh nghiệp.

BBT tổng hợp

Bình luận