Cùng dự có: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Trần Hồng Hà. Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang được cả thế giới thực hiện và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Chuyển đổi số là việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, thời gian và các điều kiện cần thiết khác. Chuyển đổi số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ đã xây dựng, triển khai Đề án 06 nhằm từng bước hiện thực hóa các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng, phải có khoa học công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực... Công cuộc chuyển đổi số và Đề án 06 đã được triển khai tích cực nhằm phục vụ tốt nhất người dân, vì người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực và động lực của chuyển đổi số. Đề án 06 đang được triển khai rất tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Năm 2023 được chọn là Năm “Dữ liệu số quốc gia”. Các bộ, ngành, địa phương đều có cơ sở dữ liệu riêng, song cần được kết nối, liên thông thành cơ sở dữ liệu chung quốc gia.
Nhóm tiện ích giải quyết thủ thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 8/4/2023 chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tổ chức thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, cơ quan.
Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, số tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Đến nay, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 388/1.146 thủ tục hành chính, đạt 34%.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 5/4/2023 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Có 6 bộ, ngành và 11 địa phương tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt cao (trên 90%),
Đối với việc thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, ngày 6/12/2021 của Chính phủ: Có 15 Bộ, cơ quan và 62/63 địa phương đã hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cống dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử, đạt 92,77%. Có 6 bộ và 26/63 địa phương xác nhận đã hoàn thành xây dựng chức năng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Về dịch vụ công: Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 315 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Đối với 53 dịch vụ công thiết yếu: Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án số 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg trên Cổng Dịch vụ công quốc gia... Giá trị mang lại: hằng năm, tiết kiệm cho nhà nước 2.505 tỷ đồng. Tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp 67.391 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương để sử dụng trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thông tin điện tử các cấp.
Bộ Công an tiếp tục ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên các lĩnh vực, như: Ngân hàng (làm sạch 41 triệu dữ liệu thông tin khách hàng; ứng dụng CCCD gắn chip điện tử, xác thực chính xác người tham gia giao dịch, sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ ATM, tiết kiệm tiền in thẻ, khoảng 50.000 đồng/thẻ); Viễn thông (Cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu 102 triệu yêu cầu cho 3 nhà mạng Vinaphone, Viettel, Mobifone, giúp chuẩn hóa thông tin thuê bao, tổ chức thu phí xác thực khoảng 150 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ, nộp ngân sách nhà nước 70%); Y tế (tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế thay thế bằng thẻ CCCD gắn chip triển khai tại 12.455 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 97%, tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy với số tiền 24,7 tỷ đồng)…
Trước giờ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã tham qua triển lãm thành tựu về những ứng dụng chuyển đổi số trong triển khai Đề án 06. Triển lãm quy tụ một số đơn vị lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin như VNPT, FPT, Viettel…
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian triển lãm của Tập đoàn FPT, nghe đại diện Bộ Công an và FPT giới thiệu về những ứng dụng công nghệ mới trong triển khai Đề án 06
HNN (tổng hợp)