Vĩnh Hưng sản lượng lúa năm 2024 đạt hơn 366.000 tấn

Bình luận · 55 Lượt xem

Sản xuất nông nghiệp năm 2024 trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đạt kết quả tốt. Sản xuất lúa đạt thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng, nông dân phấn khởi vì được mùa, trúng giá.

Năm 2024, toàn huyện Vĩnh Hưng gieo sạ gần 58.000ha lúa (2 vụ), đạt 102% kế hoạch năm; năng suất 6,9 tấn/ha (vụ Đông Xuân), 5,7 tấn/ha (vụ Hè Thu); sản lượng đạt hơn 366.000 tấn. Lợi nhuận bình quân 30,6 triệu đồng/ha (vụ Đông Xuân), từ 16,5 - 30 triệu/ha (vụ Hè Thu). Chương trình liên kết sản xuất gắn với ứng dụng công nghệ cao, có gần 24.000ha sản xuất lúa được hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản.

Toàn huyện gieo trồng hơn 2.600ha rau màu các loại. Trong đó, chủ yếu là dưa hấu, sen, mè và các loại rau màu khác,… giá bán không ổn định, tiêu thụ khó khăn, lợi nhuận giảm so cùng kỳ năm 2023.

Về chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển ổn định. Số lượng đàn trâu, bò đạt hơn 10.000 con, tăng 105% so cùng kỳ, đàn heo 7.870 con, đàn gia cầm hơn 350.000 con, có hơn 500ha ao nuôi thủy sản các loại.

Toàn huyện có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao; 1 mã số vùng trồng xuất khẩu (thị trường Trung Quốc), 2 mã số vùng trồng nội địa. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ số thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với 11 sản phẩm,…

Huyện có 1 liên minh hợp tác xã, 12 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp và 51 tổ hợp tác (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bơm tưới nước).

 

 

Nông dân huyện Vĩnh Hưng chuyển đổi cây trồng

Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, huyện Vĩnh Hưng đề ra kế hoạch sản xuất lúa với diện tích 28.300ha, năng suất đạt 7,07 tấn/ha, sản lượng 200.000 tấn. Sản xuất các loại rau màu 2.000ha (dưa hấu, mè, sen,…), cây lâu năm 600ha (cam, bưởi, xoài, mít,…).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo, để thực hiện đạt hiệu quả kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025, huyện tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ phù hợp với điều kiện từng vùng, từng sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện Đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất chất lượng cao, sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị sản xuất.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo dõi, thông tin kịp thời về thời tiết khí hậu, thủy văn, chủ động ứng phó kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi,…/.

Văn Đát

Bình luận