Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 7/2023, Bộ đã chỉ đạo và phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa và lúa Thu Đông, chăm sóc và thu hoạch lúa Hè Thu; chú trọng giải quyết tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thuỷ sản (NLTS); tình hình chăn nuôi lợn khả quan do giá thịt lợn hơi trong tháng có xu hướng tăng nhẹ và giữ ổn định; tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng; hỗ trợ và khuyến khích ngư dân tích cực bám biển và nghiêm túc thực hiện các định về IUU.
Việc tiêu thụ nông lâm thủy sản cũng đạt được nhiều kết quả tích cực với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với CKNT; trong đó, nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%; đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 12,7%. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, UAE…là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập.
Theo Thứ trưởng, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Chỉ thị sẽ nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vừa qua, Cục Trồng trọt phối hợp với một số đơn vị của Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Để đạt được mục tiêu trên 43 triệu tấn lúa, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT và các địa phương có kế hoạch gieo cấy, cùng các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Trong điều kiện khó khăn, nhưng toàn ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực hoàn thành mục tiêu, thể hiện rõ nhất trong các chỉ số phát triển của tháng đầu quý III/2023.
Về mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD, Thứ trưởng cho rằng chỉ tiêu này có thể hoàn thành nếu hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện, như số đơn hàng tăng trở lại, nhiều thị trường lớn, tiềm năng với hai ngành kể trên như Mỹ, EU… tăng dần sức mua.
Đặc biệt, lâm nghiệp và thủy sản nhận sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ. Tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST). Qua buổi làm việc, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Văn bản 5631/NHNN-TD. Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Đến nay, 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình.
Bằng sự giải quyết kịp thời, chính xác của Chính phủ, cùng báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Cục Thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, hai ngành sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 17 và 9-10 tỷ USD vào cuối năm.
HNN (tổng hợp)