Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bình luận · 111 Lượt xem

Tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn, làm rõ các vấn đề của đại biểu Quốc hội nêu.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được lựa chọn chất vấn tại phiên họp vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe các vấn đề đã được phát hiện từ lâu và những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.

Đơn cử như việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo được sự quan tâm của Nhân dân, được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, được đại biểu Quốc hội trao đổi chi tiết, các địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân trực tiếp gửi đến Bộ. Bộ trưởng hiểu rằng các nội dung này không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà mỗi tin tức về giá cả, tin tức về giá lúa gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của người dân làm nên hạt lúa gạo.

Nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với ba chữa “biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Do đó, từ các thực tiễn này, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.

Bộ trưởng cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững. Bộ trưởng nhận định, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới. Chỉ khi đó mới khắc phục được tình trạng được mùa mất giá cũng như các câu chuyện buồn khác như nông dân bội tín với doanh nghiệp, hay doanh nghiệp, thương lái bỏ cọc khiến nông dân lao đao...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng câu chuyện “mới nóng” sáng nay, sầu riêng ở Tây Nguyên sốt giá khi có sự tham gia của doanh nghiệp ngoài chuỗi. Theo đó, thương lái chỉ cần nâng giá lên vì mục đích gì đó thì người nông dân cũng sẵn sàng bỏ chuỗi, bỏ cam kết với doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó phát triển ngành logistics cũng như không thể số hóa. “Trong thời gian tới, Bộ sẽ kiên trì cùng với các địa phương xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Trả lời câu hỏi về quy hoạch đất trồng lúa của đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết cách đây 10 năm, quy mô đất lúa nước ta khoảng 4 triệu hecta. Hiện tại, theo số liệu thống kê, đất lúa còn 3,93 triệu hecta.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu hecta đất lúa. Linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để phát triển kinh tế - xã hội, phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa,”

Bộ trưởng cho biết thêm, quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Các địa phương đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ khu vực dành cho đất nông nghiệp. Các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau.

Tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề cập thực tế hiện nay nông dân thu nhập còn thấp, cuộc sống bấp bênh. Đại biểu nhấn mạnh đây cũng là mâu thuẫn giữa thực trạng đời sống của người dân với chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này.

Trả lời đại biểu Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, theo số liệu thống kê, tỷ lệ người dân nông thôn là 27%. Nghĩa là, trong suốt quá trình vừa qua đã kéo giảm khu vực nông nghiệp và giảm tỷ trọng người dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, cư dân ở nông thôn có chiếm khoảng 65%, tức là ở nông thôn bao gồm cán bộ, công chức và những người hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và nông thôn rất lớn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần có những giải pháp không chỉ cho những nông dân trực tiếp và những người lao động ở khu vực nông nghiệp, mà cần tính toán hài hòa cả người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và những người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Qua đó, đảm bảo người dân vẫn còn giữ đất nhưng trong thời gian không sử dụng thì có cách để quỹ đất đó tạo ra của cải, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.

HNN (tổng hợp)

Bình luận