Khuyến khích doanh nghiệp Ảrập Xêút đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm Halal

Bình luận · 214 Lượt xem

Bộ NN-PTNT khuyến khích các nhà đầu tư Ảrập Xêút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu, nhất là đối với các sản phẩm Halal.

 

Ảrập Xêút giảm 95% mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng cho ngành nông nghiệp

Ảrập Xêút đẩy mạnh trồng thanh long

 

Sáng 14/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp ông Abdullah I. Alkhorayef, Thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban Công nghiệp, Phòng Thương mại Riyadh, Trưởng đoàn doanh nghiệp Ảrập Xêút và Đoàn công tác của Tổng cục Ngoại thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ảrập Xêút. 

 

Ngày 11/9 vừa qua Đoàn công tác của Tổng cục Ngoại thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ảrập Xêút đã tham dự Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Ảrập Xêút do Bộ Ngoại giao tổ chức. Thứ trưởng Trần Thanh Nam tin tưởng, sau diễn đàn sự hợp tác về thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. 

 

Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, thông qua Quỹ Phát triển Ảrập Xêút (SFD), hạ tầng nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã được nâng cấp đáng kể, đặc biệt tại một số tỉnh miền Trung. Đây là sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Ảrập Xêút giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị trong thời gian tới, Ảrập Xêút tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực này. 

 

Trong kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, chủ yếu Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu sắt thép, hóa chất… để phục vụ quá trình công nghiệp hóa. Song, Thứ trưởng mong muốn phía bạn quan tâm hơn đến vấn đề nông nghiệp, đặc biệt, khuyến khích các nhà đầu tư Ảrập Xêút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu, nhất là các sản phẩm Halal.

 

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian gần đây, hợp tác quốc tế về đẩy mạnh sản xuất thực phẩm Halal đang diễn ra sôi động tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình về lĩnh vực này, trong đó có “Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam đến 2030” do Bộ Ngoại giao chủ trì và các Bộ Công Thương, Khoa học - Công nghệ, NN-PTNT đang phối hợp thực hiện.

 

Theo đó, Việt Nam mong muốn học hỏi Ảrập Xêút trong vấn đề sản xuất và chứng nhận sản phẩm Halal. Thứ trưởng đề nghị phía Ảrập Xêút cung cấp các thông tin thị trường, thị hiếu để đưa ra các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường thực phẩm Halal tại Ảrập Xêút. Đề xuất các chính sách để thúc đẩy công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận Halal của các cơ quan chứng nhận Halal của Việt Nam và với Ảrập Xêút và tập trung vào các sản phẩm thủy sản, chăn nuôi.

 

Kể từ tháng 1/2018, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Ảrập Xêút (SFDA) đã ban hành Chỉ thị số 21174 tạm đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm cá, giáp xác và các sản phẩm thủy sản khác từ Việt Nam. Từ 2019 đến nay, Bộ NN-PTNT đã có nhiều nỗ lực trao đổi, đàm phán với SFDA và phía Ảrập Xêút đã chấp thuận danh sách 38 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản khai thác sang Ảrập Xêút. Tuy nhiên, Ảrập Xêút vẫn áp dụng lệnh đình chỉ nhập khẩu thủy sản nuôi của Việt Nam.

 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Đại sứ quán Ảrập Xêút tại Việt Nam, Đoàn công tác của Tổng cục Ngoại thương Ảrập Xêút thông báo về việc sớm cử Đoàn công tác sang Việt Nam đánh giá thực tế hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản xuất thủy sản nuôi (tôm nuôi, cá tra) trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở đó sớm dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với thủy sản nuôi của Việt Nam.

 

Ông Abdullah I Alkhorayef khẳng định quan hệ sâu sắc giữa hai nước trong thời gian qua. Ông bày tỏ tin tưởng hai nước có tiềm năng hợp tác rất nhiều về thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. 

 

Ông cho biết, Ảrập Xêút thông qua các Quỹ Phát triển Ảrập Xêút (SFD) đã thực hiện các chương trình hỗ trợ nông nghiệp cho một số nước. Mục đích của việc hỗ trợ là tăng cường mối quan hệ giữa Ảrập Xêút với các đối tác, trong đó có Việt Nam. 

 

Ông Abdullah I Alkhorayef thông tin, tháng 12 tới đây sẽ diễn ra Kỳ họp thứ 5 của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ảrập Xêút, trong đó thảo luận lộ trình tăng cường thương mại, xuất khẩu khẩu giữa hai nước, đặt biệt là nhập khẩu các sản phẩm Việt Nam như nông sản, thủy sản.

 

Abrihem Altuerky Trưởng ban nông nghiệp Phòng thương mại và Công nghiệp Riyadh cho biết, lĩnh vực lương thực, nông nghiệp đóng góp tỷ trọng khá cao trong nền kinh tế của nước này. Phía Ảrập Xêút cũng quan tâm đến việc tăng cường hợp tác với Việt Nam đặc biệt thông qua khu vực tư. 

 

Ông Altuerky cũng cho biết, nước này đang có nhiều nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như cà phê hạt, phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh đang lưu ý về các vấn đề và đề xuất liên quan. 

 

“Hai nước có nhiều cơ hội hợp tác, sản phẩm gạo Việt Nam rất phù hợp với thị trường của Ảrập Xêút, vì vậy chúng tôi mong muốn chúng ta có thể thúc đẩy giao thương trong lĩnh vực này trong thời gian tới”, ông Altuerky cho biết. 

Bình luận