Thanh niên 9X nuôi heo rừng lai thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm
Không ngừng mơ rộng chăn nuôi từ bốn đôi heo rừng
Nuôi heo rừng theo kiểu 'khác người' của anh Hai miền Tây
Điển hình duy nhất trên quê lúa nuôi heo rừng năng suất cao
Nuôi heo rừng không sử dụng kháng sinh
Nhiều năm qua, gia đình bà Đoàn Thị Lệ, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) có 3 chuồng nuôi heo trắng bán thịt nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, bởi giá thức luôn ăn tăng cao, giá cả đầu ra bấp bênh thường bị thua lỗ nhiều hơn thắng.
Chính vì vậy, từ năm 2019 bà Lệ quyết định chuyển hướng phát triển kinh tế bằng cách mua 10 con heo rừng lai tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ heo rừng tại Đồng Tháp về nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết đầu ra. Sau một thời gian chăn nuôi, thấy đàn heo phát triển tốt, bán được giá cao hơn so với nuôi heo trắng, từ đó bà Lệ đã mạnh dạn nhân rộng mô hình chăn nuôi heo rừng lai bán thương phẩm.
Hiện trang trại của bà Lệ rộng hơn 100m2, nuôi 80 con heo rừng lai, được chia ra 6 chuồng nuôi trong đó có 30 heo nái còn lại là heo thịt và heo con. Trung bình mỗi năm một con heo nái sinh sản 2 lứa, mỗi lứa khoảng 5-7 con.
Nuôi heo rừng nái lai không quá khó lại không mất nhiều công chăm sóc. Heo con sau khi sinh ra chỉ cần tách ra chuồng riêng, bổ sung thức ăn cám công nghiệp lúc heo còn nhỏ (cám tập ăn dành cho heo con) trong vòng 10 ngày để kích thích tăng trưởng, tiêu hóa tốt, sau đó chuyển qua ăn cám thường và rau cỏ, lá cây...
Khi heo rừng nuôi hơn 1 tháng, thức ăn chính của heo rừng lai chủ yếu là rau, củ, quả, cám bắp, cám gạo nên chi phí thức ăn thấp. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, gia đình bà Lệ còn trồng thêm mít, chuối, rau lang và các loại cỏ.
“Heo rừng lai có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh và người nuôi nói không với sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, để đàn heo phát triển tốt heo phải được tiêm vacxin đầy đủ, có sổ ghi chép theo dõi. Chuồng trại nuôi phải xa khu dân cư, cao ráo, thoáng gió”, bà Đoàn Thị Lệ chia sẻ.
Trung bình mỗi lứa heo rừng lai hướng thịt, thường nuôi khoảng 7 - 8 tháng, mỗi con nặng 25 - 30kg là xuất bán với giá từ 90.000 -120.000 đồng/kg cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ heo rừng tại Đồng Tháp, còn heo giống được người dân đến tận trang trại mua với giá 3 triệu đồng/cặp (mỗi con nặng từ 5 - 7kg).
Dù heo thịt hay heo giống đầu ra đều thuận lợi, vì vậy trong thời gian tới bà Đoàn Thị Lệ dự tính mở rộng diện tích chuồng trại lên 500m2 để tăng đàn quy mô chăn nuôi lên 250 - 300 con.
Cam kết “5 bao” cho người nuôi heo
Để đảm bảo chuỗi liên kết đầu ra trong việc nuôi heo rừng lai hướng thịt an toàn sinh học cho bà con nông dân ĐBSCL một cách bền vững. Gần 10 năm qua Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Heo Rừng tại Đồng Tháp do anh Đoàn Phan Dinh làm giám đốc đã thực hiện ước mơ là liên kết với hàng ngàn hộ nuôi heo rừng hướng sạch và đồng hành cùng người nông dân ĐBSCL làm giàu theo phương châm người nuôi có lời, người ăn có lợi.
Anh Đoàn Phan Dinh cho biết, hiện nay người nuôi heo thường gặp dịch bệnh nhiều, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, giá heo không ổn định, đầu ra có thể gặp khó. Chính vì vậy anh đã mạnh dạn tổ chức lại sản xuất tại trang trại của gia đình với quy mô nuôi 200 con và mở rộng sản xuất thông qua việc tìm kiếm một cách làm ăn mới, đưa giống heo chất lượng đến với nông dân và sau đó công ty bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Trước tiên Công ty Heo Rừng bán heo giống cho người nuôi, sau đó sẽ cho người tư vấn kỹ thuật đến từ hộ nuôi hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh. Lắp hệ thống camera miễn phí cho các hộ dân nhằm để theo dõi qua giám sát từ xa, cách thức cho ăn, tiêm phòng vacxin đầy đủ theo ngành thú y…
Thu mua lại heo thịt hoặc heo giống với giá cao hơn so với giá thị trường vài chục ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, Công ty còn đưa ra cam kết “5 bao” trong chuỗi liên kết với người nuôi để tiến đến bền vững hơn: Bao đầu ra, bao kỹ thuật, bao chết, bao rủi ro và bao heo đẻ.
Bình quân mỗi hộ nuôi heo rừng liên kết, đầu tư vốn ban đầu khoảng 17-20 triệu đồng (chuồng và con giống thường 3 cái 1 đực) nuôi trong vòng 18 tháng thu lãi khoảng 50 - 60 triệu đồng.
Đặc biệt, Công ty Heo Rừng cam kết, sau 3 năm nuôi, người dân không sinh lợi, có quyền trả lại heo và lấy tiền đã đầu tư về. Từ những cam kết rất thực tế trên, đến nay toàn vùng ĐBSCL đã có gần 3.000 hộ tham gia mô hình với anh, trong đó có gần 5.000 con heo nái đang cho sinh sản quanh năm.
Định hướng phát triển của anh Dinh, sẽ tiếp tục mở rộng liên kết và bao tiêu sản phẩm cho người dân cả ĐBSCL. Bên cạnh đó, anh đang hoàn thành các thủ tục nuôi heo hướng VietGAP. Đảm bảo nuôi heo rừng theo tiêu chí sạch từ chuồng nuôi đến bàn ăn và không gây ô nhiễm ảnh hưởng môi trường.
Không dừng ở đó anh Dinh còn mở các cửa hàng cung cấp heo an toàn ở khắp các tỉnh ĐBSCL và còn ra các sản phẩm thịt heo đóng gói như thịt heo tươi ướp gia vị, heo quay, xong khói, gác bếp, thịt heo rừng một nắng.
Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Đồng Tháp cho biết, trong giai đoạn hiện nay chăn nuôi heo an toàn sinh học gắn với liên kết đầu ra với doanh nghiệp là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi và đó cũng là định hướng phát triển chăn nuôi của ngành nông nghiệp Đồng Tháp.
Tuy nhiên, không phải người chăn nuôi nào cũng biết về khái niệm chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp thực hành chăn nuôi an toàn sinh học. Chính vì vậy Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Đồng Tháp cần đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến cáo nông dân áp dụng nuôi heo hướng sinh học nhằm giảm rủi ro về dịch bệnh mà tăng hiệu quả đàn trong chăn nuôi heo.