Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban cho biết, hiện các sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã không chỉ được huyện hỗ trợ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), mà còn giúp tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay, hợp tác xã đã ký kết được hợp đồng với Công ty An Việt (quận Nam Từ Liêm), Công ty Minh An (quận Bắc Từ Liêm) và những bếp ăn tập thể trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả. Hiện trung bình mỗi tuần hợp tác xã cung cấp hơn 1 tấn rau, củ, quả cho các siêu thị, giúp nâng giá trị trên 1ha canh tác đạt 300 triệu đồng/năm.
Hiện tại, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm: Sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; sản xuất rau an toàn, quy mô 285ha ở các xã Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung; sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, quy mô hơn 300ha tại các xã Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng... Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện đã hỗ trợ các hợp tác xã duy trì và phát triển 6 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như: Chuỗi sản xuất 10ha rau an toàn và trồng 15ha khoai tây vụ xuân làm giống của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải; nuôi lợn hương quy mô 50 con lợn nái, duy trì 300 con thương phẩm ở xã Bình Yên; sản xuất rau, trồng đu đủ tại xã Dị Nậu; lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 30ha của các xã Chàng Sơn, Lại Thượng, Bình Phú, Phú Kim, Kim Quan... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Ông Đỗ Xuân Nhung, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Phú Kim chia sẻ, bên cạnh việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, huyện còn hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi liên kết về vốn để mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng thương hiệu, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc; tư vấn tham gia Chương trình OCOP.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, hằng năm, huyện sẽ bố trí ngân sách hợp lý đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích kêu gọi các các đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu tạo liên kết chuỗi giá trị để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ngoài ra, huyện hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại... để đưa các mặt hàng nông sản có thế mạnh vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Để các chuỗi phát huy hiệu quả, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, huyện Thạch Thất cần làm tốt công tác dự báo về thị trường và tìm kiếm thị trường để định hướng sản xuất về quy mô, chất lượng, tốc độ phát triển từng loại nông sản. Cùng với đó, huyện cần lồng ghép các chính sách hỗ trợ hợp tác xã đầu tư đưa các công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.