Việt Nam và Cộng hòa Séc tăng cường hợp tác trong việc thực thi Công ước CITES và ứng phó với biến đổi khí hậu

Bình luận · 222 Lượt xem

Ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc Ông Petr Hladík.


Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Tại buổi họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Séc. Sau hơn 70 năm thiết lập (1950), quan hệ song phương phát triển tích cực trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học – công nghệ...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc

Về việc thực thi Công ước về thương mại quốc tế các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), hiện nay Cộng hoà Séc đang thưc hiện dự án “Đừng mua- Đừng bán” nhằm tuyên truyền về việc không buôn bán các loài động, thực vật hoang dã tại Séc. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Cộng hoà Séc thực hiện dự án này. Cũng như Cộng hoà Séc, Việt Nam là thành viên của CITES và có trách nhiệm thực thi đầy đủ các quy định của CITES.

Trong thời gian qua, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Séc xây dựng tờ rơi không mua bán sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã (bằng tiếng Séc và tiếng Việt) nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Séc. Theo đó, phía Việt Nam mong muốn 2 bên tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định CITES và Pháp luật 2 bên. Hai bên tiếp tục thực hiện biên bản hợp tác thực thi CITES theo biên bản đã ký giữa 2 Bộ năm 2015, trong đó tập trung vào 2 nội dung là chia sẻ thông tin thực thi CITES và nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân về về ngăn chặn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

Về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biếtThủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính”.

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến Biến đổi khí hậu và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của mình một cách có trách nhiệm. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về sử dụng Rừng và Đất” và sáng kiến khác.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Môi trường Séc cùng phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác như hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, tái cơ cấu ngành, tăng trưởng xanh, bảo vệ đa dạng sinh học…

Bộ trưởng đề nghị phía Séc hỗ trợ, phối hợp xây dựng và triển khai các dự án nhằm thực hiện các cam kết, sáng kiến quốc tế như Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp bao gồm cả khí Mê tan; Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Hỗ trợ nguồn lực để xây dựng các tài liệu, đàm phán, ký kết và triển khai, Hỗ trợ cung cấp các thông tin về thị trường các bon quốc tế. Tăng cường và bảo vệ đa dạng sinh học nhằm bảo tồn các khu vườn quốc gia, vùng nước ngập mặn và thực thi CITES; ủng hộ việc thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT).

Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc Ông Petr Hladík cho biết: Cộng hòa Séc luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược. Về Công ước CITES, Cộng hòa Séc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ CITES và có thể cử chuyên gia giúp đỡ Việt Nam về vấn đề này.

Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc Ông Petr Hladík

Ông Petr Hladík chia sẻ: 30 năm trước, Cộng hòa Séc bị đánh giá yếu kém trong việc thực thi Công ước CITES, nhưng hiện giờ Cộng hòa Séc là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Ông Petr Hladík khẳng định Cộng hòa Séc sẵn sàng phối hợp với Việt Nam tổ chức các chiến dịch tăng cường nhận thức cộng đồng và các chiến dịch truyền thông chống buôn bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, Cộng hòa Séc có thể cung cấp cho Việt Nam các kết quả từ các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này hoặc hỗ trợ phân tích các mẫu từ động vật có nguy cơ tuyệt chủng.      

Ông Petr Hladík cho biết: Cộng hòa Séc cũng đang tập trung vào việc đưa ra những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Cộng hóa Séc đã thực hiện các nghiên cứu về biến đổi khí hậu và có thể chia sẻ kết quả các nghiên cứu này với Việt Nam. Ngoài ra, hai nước đều là thành viên của các hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu nên có thể phối hợp chặt chẽ với nhau để thực thi các hiệp ước này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn doanh nghiệp hai nước có sự kết nối để tìm kiếm cơ hội phát triển thương mại nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển tích cực. Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân. Việt Nam cũng là cửa ngõ cho thị trường Đông Nam Á với 650 triệu dân, với nền kinh tế phát triển rất năng động. Đồng thời, Séc coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên về hợp tác kinh tế ngoài EU. Do đó với những lợi thế và tiêm năng phát triển như trên, Bộ trưởng tin tưởng rằng hai bên sẽ tích cực hợp tác và đạt được các kết quả cụ thể trong thời gian tới.

HNN (mard.gov.vn)

Bình luận