Sức hút kỳ diệu của một mô hình du lịch cộng đồng

Bình luận · 219 Lượt xem

Mạnh dạn tiếp thu cách làm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, chị Vàng Thị Cân đã tạo nên sức hút bất ngờ với du khách trong và ngoài nước...

 

Đánh thức du lịch sinh thái 'tiểu Đà Lạt' của Quảng Trị

Mộc Châu phát huy lợi thế và tiềm năng trong xây dựng nông thôn mới

Thiết kế không gian đặc trưng phát triển du lịch cộng đồng

Homestay được Thủ tướng tới thăm

 

Kín lịch đặt cho kỳ nghỉ Tết

Đã từ khi nào, ngôi nhà du lịch cộng đồng mang tên Forest Homestay của gia đình chị Vàng Thị Cân, sinh năm 1986, dân tộc Tày ở thôn Đội 3, xã Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) đã trở nên gần gũi, quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế bởi sự gần gũi, mộc mạc, giản dị, chân tình, cởi mở của gia chủ và bà con người Tày nơi đây.

 

Năm nay, Forest Homestay đã kín lịch đặt cho kỳ nghỉ Tết Dương lịch và cả Tết Quý Mão 2023. Tranh thủ vài ngày thưa khách, gia đình chị Cân vệ sinh, sửa chữa, chỉnh trang lại ngôi nhà. Nhâm nhi chén chè shan tuyết nóng hổi, thơm nồng, chị Cân vui vẻ, say sưa kể về hành trình khởi nghiệp...

 

Ngôi nhà du lịch cộng đồng mang tên Forest Homestay của gia đình chị Vàng Thị Cân, thôn Đội 3, xã Bản Liền nằm vị trí thuận lợi trên đoạn đường vào xã, trong lòng thung nhỏ; có rừng cọ, đồi chè, ruộng bậc thang, gần gũi thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ..

Cũng như bao gia đình người Tày khác ở xã vùng cao Bản Liền, tài sản chính bao đời nay cha ông để lại, chia cho các cặp vợ chồng ra ở riêng là những đồi chè shan tuyết và nương lúa nương, ruộng lúa nước... Tuy nhiên làm lụng vất vả cũng chỉ đủ ăn, vẫn nghèo khó. Từ năm 2004, khi hợp tác xã sản xuất chè được thành lập tại địa phương và thu mua chè, bà con cũng đỡ phần nào, song chỉ thực sự khá hơn khi huyện Bắc Hà phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai thực hiện dự án xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2020 - 2022.

 

Mô hình được triển khai trên diện tích 20ha, với sự tham gia của 70 hộ dân thuộc xã Bản Liền và xã Tả Củ Tỷ (huyện Bắc Hà). Sau 3 năm triển khai, các hộ tham gia mô hình đã có chuyển biến, nhận thức tốt trong áp dụng quy trình sản xuất chè hữu cơ. Chè Bản Liền là niềm tự hào của Bắc Hà và là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Lào Cai tìm được chỗ đứng ở thị trường Mỹ và châu Âu.

 

Gia đình chị Cân cũng tham gia dự án và trở thành tổ viên của Hợp tác xã Chè Bản Liền. Chị chia sẻ: "Tham gia dự án, nhà mình và các hộ trồng chè được hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm...

 

Vợ chồng Chị Cân tham gia dự án khuyến nông thâm canh chè theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững

 

Với 5ha đồi chè, nhà mình đã cải tạo, đốn tỉa, trồng mới và tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, thu hái, sản xuất chè hữu cơ. Mấy năm gần đây, ngoài bán cho Hợp tác xã, nhà mình còn chế biến chè đen, chè ống lam phục vụ khách du lịch đến với gia đình. Nhờ dự án khuyến nông, trồng chè hữu cơ gắn với du lịch mà nhà mình và bà con đã có cuộc sống ổn định...".

 

Thành công nổi bật trong 3 năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà gia đình chị Cân gây dựng lên, đó là ngôi nhà du lịch cộng đồng mang tên Forest Homestay. Đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, là mô hình điểm tiêu biểu ở vùng cao Bắc Hà nói riêng và biên cương Lào Cai.

 

Bất ngờ với sức hút du khách

Đưa chúng tôi thăm toàn cảnh ngôi nhà, chị Cân kể: Từ tháng 7 năm 2019 đến nay, dự án "Great - Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch" đã được triển khai tại huyện Bắc Hà, trong đó có xã Bản Liền. Đây chính là cơ hội tạo bước ngoặt đổi đời cho gia đình chị.

 

Gia đình Chị Cân tìm về nét văn hóa xưa khi đã dỡ bỏ mái lợp Pro xi măng để trở lại truyền thống xưa, lợp nhà mái cọ đơn sơ, mộc mạc…

 

"Nhà mình được tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng, được hỗ trợ vay vốn mỗi hộ 50 triệu đồng và tự vay thêm 50 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển mô hình homestay này. Đến nay, gia đình đã có cơ sở lưu trú có thể đón khoảng 50 khách ăn trưa và đón khoảng 20 khách nghỉ qua đêm. Suốt hơn 3 năm qua, gia đình vừa giữ nhà, giữ nghề làm du lịch, vừa học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ của du khách để hoàn thiện ngôi nhà homestay của mình", chị Cân cho biết.

 

Bắt đầu từ con số 0, gia đình chị Vàng Thị Cân đã bắt tay vào làm những công đoạn cơ bản nhất, như cải tạo nhà cửa, di dời chuồng trại ra xa nhà, xây thêm nhà tắm và nhà vệ sinh, đào ao thả cá chép, trồng hoa quanh nhà và chiếc ao nhỏ... Chị cũng trồng mấy nương lúa nếp, chăn nuôi lợn, gà, vịt đặc sản, trồng các loại rau theo mùa để phục vụ bữa ăn cho du khách khi đến nhà, tự chế biến sản phẩm chè shan tuyết phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư nuôi 6 con ngựa, trong đó có 4 con ngựa bạch phục vụ du khách chụp ảnh và từng bước học làm quen với cách đón khách, phục vụ khách...

 

Hiện Forest Homestay của gia đình chị Cân đã và đang thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm

 

Mỗi mùa, du khách đến với Forest Homestay được hướng dẫn những hoạt động khám phá, từ ngắm rừng cọ, đồi chè, ruộng bậc thang mùa nước đổ, đến trở về tuổi thơ bên ruộng lúa nương chín vàng, hay cắm trại trên đỉnh đồi chè shan tuyết, câu cá bên dòng suối nhỏ… Đây là những hoạt động hoàn toàn phù hợp với những người yêu thiên nhiên, thích những hoạt động ngoài trời. Du khách đến đây có thể trải nghiệm, đắm chìm trong không gian chầm chậm, ngồi nhâm nhi chén chè shan tuyết thơm nồng mang đậm hương vị của vùng cao.

 

Đặc biệt, gia đình chị Cân đã cùng các hộ làm homestay trong xã và nhiều bạn trẻ người dân tộc Tày, Mông tìm về với văn hóa truyền thống để vừa khai thác phục vụ du lịch, vừa bảo tồn những nét đẹp của cha ông để lại.

 

Chị Vàng Thị Cân cho biết, chị cũng là một thành viên trong đội múa xòe dân tộc Tày ở Bản Liền, một đội văn nghệ khá nổi tiếng với khách du lịch khi tham quan chợ đêm Bắc Hà, đến mức đã có nhiều người, đoàn khách xuống Bản Liền du lịch, lưu trú qua đêm, đặt dịch vụ văn nghệ do Đội văn nghệ Bản Liền biểu diễn, vừa thu hút thêm khách, chị em phụ nữ trong xã lại có thêm thu nhập và ý thức bảo nhau lưu giữ, truyền dạy lại cho con em mình.

 

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Bắc Hà cho biết, ngoài vẻ đẹp quyến rũ của cao nguyên trắng Bắc Hà vào mùa xuân, mùa hoa mận, hoa đào, mùa chè xuân..., Bắc Hà còn hấp dẫn với những nét bản sắc văn hóa và con người, nổi bật là văn hóa dân tộc Mông Bản Phố, Tày Bản Liền... Chị Cân cùng nhiều người trẻ ở vùng cao Bắc Hà đã có những cách làm sáng tạo riêng để giữ vốn văn hóa cha ông, kết hợp hài hòa giữa phát triển, bảo tồn gắn với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Đây là cách làm mới sáng tạo, đúng đắn, đã và đang được nhà nước, Bộ NN-PTNT khuyến khích.

 

Với nghị lực vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới ngành du lịch, vừa học, vừa làm, tiếp thu ý kiến đóng góp của du khách, đến nay, ngôi nhà du lịch cộng đồng mang tên Forest Homestay của gia đình chị Vàng Thị Cân đã trở thành điểm đến hấp dẫn, gần gũi của du khách.

 

Từ một ngôi nhà truyền thống của người Tày, chị Vàng Thị Cân đã biến thành một điểm thu hút rất đông đảo du khách. Ảnh: Xuân Cường.

 

"Với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ kịp thời của nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương xác định phát triển du lịch nông nghiệp bền vững là mũi nhọn giảm nghèo, và mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp của gia đình chị Cân là mô hình tiên phong ở Bản Liền, đã và đang được Hội Phụ nữ, Hội Nông dân huyện biểu dương, ghi nhận, tổ chức cho hội viên thăm quan, học tập, nhân rộng, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp bền vững...", bà Bùi Thị Lý, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà tự hào.

Bình luận