Xóm nghèo quay quắt thành 'xóm tỷ phú' nhờ ươm cây giống

Bình luận · 208 Lượt xem

Từ một xóm ngụ cư nghèo quay quắt, nghề ươm cây keo giống không chỉ thúc đẩy trồng rừng, mà còn đưa xóm Mỹ Lâm (Thanh Mỹ, Thanh Chương, Nghệ An) thành 'xóm tỷ phú'.

 

Ươm cây giống thu nhập cao

Nghề ươm cây giống ăn nên làm ra, có người thu tiền tỷ/năm

Trường kỳ nghiên cứu giống cây lâm nghiệp

Tấp nập vào vụ trồng rừng

Nghề của nhân duyên

Về xóm Mỹ Lâm, xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương, Nghệ An), trên những vườn ươm, bà con địa phương tất bật dọn dẹp, đóng bầu, tưới cho những luống cây giống xanh rờn đang chờ xuất bán.

 

Anh Lê Văn Thành (34 tuổi), chủ một cơ sở ươm cây giống tại đây cho biết, gia đình anh đã bén duyên với nghề ươm giống cây lâm nghiệp hơn 14 năm nay. Từ những ngày đầu chập chững vào nghề với bao khó khăn, bỡ ngỡ, chàng thanh niên 20 tuổi đã sớm yêu và gắn bó với công việc ươm những mầm xanh, gửi ân tình vào đất, với ước mong phủ xanh đất trắng, đồi trọc quê hương. Hiện gia đình anh là một trong những cơ sở ươm cây có uy tín trong vùng, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ hàng chục vạn đến cả trăm vạn cây keo giống, đem lại nguồn thu nhập lớn.

 

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Thành chia sẻ: “Gia đình tôi đến với nghề ươm giống cây keo như một cái duyên. Khoảng năm 2008 - 2009, trong quá trình đi tìm mộ bác tôi là liệt sĩ ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), bố tôi tình cờ biết đến nghề ươm giống keo của gia đình một cán bộ ở huyện này. Nhận thấy đây là nghề mới nhiều tiềm năng có thể đem lại lợi ích cho gia đình và quê hương, ông đã quyết định đưa chúng tôi vào học”.

 

Theo anh Thành, ngày đó, 3 bố con anh đã cơm đùm, cơm gói vào Bình Định học nghề ươm cây. Nói đi học nhưng thực chất là đi làm công không cho họ, những mong tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm để về hành nghề ở quê. Rồi cái ngày đó cũng đến, bố con anh háo hức bắt tay triển khai nghề ươm cây giống ở Mỹ Lâm.

 

Những năm đầu làm nghề, gia đình anh gặp nhiều khó khăn vì điều kiện thời tiết, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đặc biệt là nguồn điện lưới phục vụ cho việc tưới phun quá yếu nên phải dùng máy nổ, nhiều khi phải tưới thủ công.

 

Với tinh thần vượt khó, sáng tạo, từng bước khắc phục hạn chế, bố con anh đã gặt hái thành công từ những lứa keo giống đầu tiên. Keo ươm tại chỗ, chất lượng tốt, bán với giá phải chăng, khách hàng khắp nơi đổ về, vườn ươm luôn trong tình trạng khan hàng.

 

Lúc đầu, chỉ có người thân trong gia đình anh trực tiếp ươm giống, sau phải thuê nhiều nhân công. Từ một cơ sở ban đầu, gia đình anh đã có 5 cơ sở do 5 anh em trai làm chủ. Những người dân vốn là nhân công của gia đình anh cũng đã lập những vườn ươm mới. Tính đến nay, xóm Mỹ Lâm đã có khoảng 160 hộ dân theo theo nghề ươm cây giống.

 

“Làm nghề ươm keo, cầm nhiều bìa đất”

Nằm hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh, xóm Mỹ Lâm có điều kiện vô cùng thuận lợi về giao thông, giới thiệu sản phẩm... Những vườn ươm nối dài cả cây số được định danh bằng những tấm biển quảng cáo đã tạo nên khu “phố vườn ươm” xanh mướt, nhộn nhịp. Nghề ươm cây giống mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân nơi đây. Từ những vườn ươm, hàng trăm triệu cây giống được xuất bán, góp phần mang màu xanh cho núi rừng và sự khấm khá cho bà con làm nghề.

 

Anh Lê Chấn Tài (28 tuổi), một thanh niên đam mê nghề ươm cây trong xóm cho biết, muốn làm nghề, phải có quỹ đất để trồng cây mẹ, ươm cành, hệ thống phun tưới (giếng, máy bơm, bồn nước, giàn béc), ngoài ra cần phải có kinh nghiệm, kỹ thuật. Gia đình anh theo nghề đã mấy năm nay.

 

“Nghề này tuy không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi cẩn thận, khéo léo, chuyên cần. Trung bình, mỗi năm gia đình tôi vào bầu khoảng 10 lứa, mỗi lứa từ 15 vạn - 20 vạn cây. Tỷ lệ sống của cây phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nắng nhiều, cây giống phát triển tốt, có thể đạt 80 - 90%”, anh Tài nói.

 

Người dân Mỹ Lâm chủ yếu ươm cây keo để trồng rừng và áp dụng kỹ thuật ươm cành. Cách làm này giúp cây giống phát triển nhanh, lợi gỗ, ít bị đổ gãy khi mưa bão. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng đường ống phun tưới tự động, mua thêm máy bơm, máy làm đất. Một số hộ trong xóm đã thuê đất ở các địa phương lân cận, mở rộng quy mô vườn ươm.

 

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, những hộ dân đi đầu trong nghề ươm cây giống ở Mỹ Lâm đã triển khai xây dựng nhà giàn. Trung bình mỗi sào vườn ươm tự nhiên phải đầu tư khoảng 20 - 30 triệu đồng, nhưng xây dựng nhà giàn phải tốn kém gấp đôi, thậm chí gấp 3. Ưu điểm của nhà giàn là cây giống sinh trưởng phát triển tốt, mùa mưa đỡ bị sâu bệnh và chết hàng loạt.

 

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học nên cây giống của xóm Mỹ Lâm luôn đảm bảo chất lượng. Các vườn ươm hoạt động quanh năm, hết vào bầu, giâm cành, đảo cây lại bón phân, phun tưới… Những lứa keo giống nối tiếp nhau xuất vườn được thị trường khắp các tỉnh ưa chuộng như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Trị, Thùa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... 

 

Nhìn những vườn ươm nối dài, những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, ít ai biết rằng Mỹ Lâm trước đây từng là một vùng “đất khổ”. Phần lớn người dân trong xóm vốn là dân di cư từ xã Thanh Tường lên đây lập nghiệp theo chủ trương giãn dân của huyện Thanh Chương. Cuộc sống mới của người dân ở vùng núi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” heo hút, đi lại khó khăn chìm trong đói nghèo triền miên.

 

Những vườn ươm được đầu tư hệ thống phun sương tự động. Ảnh: Huy Thư.

Những vườn ươm được đầu tư hệ thống phun sương tự động. Ảnh: Huy Thư.

 

Ông Lê Đình Châu (66 tuổi), một người dân trong xóm nhớ lại: “Trước những năm 2000, cuộc sống người dân ở đây vẫn vô cùng cơ cực. Chúng tôi phải lên rừng chặt củi, đốt than gánh gồng cả chục cây số ra chợ Thanh Mỹ mới kiếm được mấy bơ gạo, suốt ngày đầu tắt mặt tối mà không đủ ăn”.

 

Tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua xóm Mỹ Lâm thông xe vào năm 2002 như thổi một luồng gió mới vào xóm nghèo. Đặc biệt từ khi xóm mở mang nghề ươm cây giống, cuộc sống của người dân thực sự đổi thay. Trước hết bà con có việc làm, có kế sinh nhai, đem lại thu nhập ổn định, không ít hộ đã phất lên như diều gặp gió.

 

Cảnh quan xóm làng thay đổi, những ngôi nhà kiểu mới đồng loạt ra đời, nhiều nhà đã mua sắm được xe hơi, xe tải. Ông Lê Văn Ba (74 tuổi), người đầu tiên đưa nghề ươm keo về Mỹ Lâm vui mừng thổ lộ: “Tôi thật sự phấn khởi vì nghề ươm cây giống đã lan tỏa trên quê hương, đem lại thu nhập cho nhiều gia đình trong xóm. Chính nhờ nghề này mà người dân nơi đây đã đổi đời, có của ăn, của để”. Bản thân ông đã được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

 

Bao năm qua, nghề ươm cây giống đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân làm nghề. Anh Lê Chấn Tài, một hộ ươm keo giống cho biết, với giá bán hiện tại (600 - 700 đồng/cây), mỗi lứa ươm keo thắng lợi có thể đem lại cho đình anh từ 20 - 40 triệu đồng. Những gia đình có vườn ươm lớn, nếu được giá có thể thu về cả trăm triệu đồng.

 

Câu chuyện mà người dân địa phương đồn thổi “làm nghề ươm keo cầm nhiều bìa đất” chẳng còn là chuyện phiếm ở vùng quê này. Không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân, nghề ươm cây giống còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tiếng lành đồn xa, một số người dân ngoại tỉnh lại tìm về Mỹ Lâm học nghề.

 

Không ít gia đình đi lên từ bàn tay trắng đã hóa tỷ phú trên vùng “đất khổ”. Anh Nguyễn Quang Hiếu (47 tuổi), một người thành công từ nghề ươm keo của xóm chia sẻ: “Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1998, tôi đi học nghề hàn. Sau khi cưới vợ, cả hai vợ chồng bôn ba khắp miền Nam, nhưng vẫn về quê tay trắng. Tôi trở nghề đi buôn keo nguyên liệu, keo giống rồi chuyển sang nghề ươm cây và gắn bó với nghề này mười mấy năm nay”.

 

Khởi nghiệp từ ngôi nhà tranh làm bằng 6 cột tre, sau một thời gian làm nghề ươm cây, anh Hiếu đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được xe hơi, xe tải, máy xúc, máy cày, máy rùa và nhiều phương tiện đắt tiền. Anh cũng là người đầu tiên trong vùng xây dựng vườn ươm nhà dàn hiện đại.

Bình luận