Thời gian qua, nông nghiệp Đắk Nông đã xuất hiện các mô hình canh tác chuyên nghiệp như: vườn - ao - chuồng; vườn - ao - chuồng - rừng; xen canh; gối vụ…
Nhiều nông dân đã chủ động phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tuần hoàn, khép kín với tính chuyên nghiệp cao. Trong các mô hình này, chất thải của chăn nuôi được sử dụng để phục vụ cho trồng trọt.
Phụ phẩm từ trồng trọt được sử dụng để làm thức ăn cho vật nuôi. Vì vậy, việc phát triển sản xuất tuần hoàn tạo ra nhiều giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ, tái sinh môi trường.
Gia đình ông Phạm Xuân Trường, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có trên 2ha sản xuất. Những năm qua, ông Trường kết hợp giữa nuôi cá, dê, tằm và trồng các loại cây như bắp, dâu tằm, cây ăn trái, cà phê, cây đàn hương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Trường, để tự túc nguồn phân bón cho cây trồng, ông đã xây dựng chuồng nuôi dê, nuôi tằm và đào ao thả cá. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi ông gom lại một chỗ cố định và xử lý bằng vôi sau một thời gian trộn với men vi sinh, ủ với vỏ cà phê để làm phân hữu cơ.
Ông Trường cho biết: “Phân chuồng sau khi được ủ hoai mục trở thành nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, giúp đất trở nên màu mỡ hơn. Cách làm này giúp tôi có được một lượng lớn phân hữu cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập”.
Còn tại huyện Cư Jút, việc chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp được địa phương quan tâm và ưu tiên đầu tư. Trong đó, huyện triển khai nhiều chương trình hướng dẫn sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ chăm sóc cây trồng.
Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín tại các trang trại, nông hộ.
Ngành Chăn nuôi huyện Cư Jút đã hình thành nhiều hình thức tổ chức trong chăn nuôi như: liên kết với doanh nghiệp, thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ…
Theo lãnh đạo Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút, các hộ liên kết đều áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP. Trong chăn nuôi, nông hộ đã kết hợp với phương pháp xử lý ép tách phân để giảm chi phí, bảo vệ môi trường sinh thái…
Hầu hết các trang trại trong chuỗi liên kết đều quản lý tốt dịch bệnh, đầu vào và đầu ra ổn định, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Những năm qua, Đắk Nông tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hóa. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, tỉnh hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình có giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, bền vững với môi trường và an toàn sinh học.
Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh khuyến khích nông hộ chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang áp dụng khoa học, kỹ thuật, chuyên nghiệp hóa để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập ổn định.
Đắk Nông hiện có 65 chuỗi liên kết thuộc 9 ngành hàng, với 9.660 hộ tham gia. Liên kết theo chuỗi giá trị ngày càng có sức hút, sự hấp dẫn với nông dân.
Ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông nghiệp Đắk Nông cho biết, các địa phương đã xây dựng nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô hàng hóa, có tính chuyên nghiệp cao.
Nhờ chuyên nghiệp hóa trong sản xuất, Đắk Nông xây dựng được nhiều chuỗi liên kết giá trị, giúp ổn định đầu ra cho nông sản, bảo đảm thu nhập đối với nông dân.
Cũng theo ông Chân, các hoạt động tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được ngành Nông nghiệp quan tâm mạnh mẽ. Trong đó, ngành Nông nghiệp rất chú trọng kiến tạo, hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để chuyên nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp.