Vườn thanh long hút du khách tham quan

Bình luận · 238 Lượt xem

Vườn thanh long nhà ông Nguyễn Văn Chín, ở xã Hàm Mỹ giờ đây đã trở thành điểm đến tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Bình Thuận.

Vườn thanh long nhà ông Nguyễn Văn Chín, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam thu hút du khách. Ảnh: KS.

Vườn thanh long nhà ông Nguyễn Văn Chín, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam thu hút du khách. Ảnh: KS.

Những ngày tháng 8 này, chúng tôi đến tham quan mô hình sinh thái cộng đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Chín, ở thôn Phú Mỹ, cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 7 km về hướng Đông Nam.

Đây là mô hình do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với UBND xã Hàm Mỹ thực hiện từ cuối năm 2019 nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.

Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm tham quan mô hình sinh thái cộng đồng này cũng dễ tìm, hỏi bất cứ ai trong thôn đều biết. Từ cổng chào thôn Phú Mỹ là con đường bê tông nông thôn khá rộng dẫn vào điểm tham quan rất thoáng đãng, thỉnh thoảng bên đường cắm biển chỉ hướng đi nên mọi người không sợ lạc đường.

Khi tới nơi, chúng tôi bất ngờ với vườn thanh long được trồng ngay hàng thẳng lối, bao phủ bởi sắc xanh mơn mởn của các nhánh cây giữa ngày hè nắng gắt ở nông thôn. Những nụ hoa thanh long vừa nở và có cả những quả non, quả chín đan xen vừa hé lộ trên thân cây, trông rất đẹp mắt.

Mặt khác vườn thành long này được chủ vườn trồng nhiều hàng dừa xiêm vừa che bóng mát, vừa cho du khách thưởng thức nếu có nhu cầu. Đồng thời xung quanh vườn thanh long được cho lát nền gạch bê tông vừa đủ lối đi cho mọi người muốn đi một vòng. Phía sau vườn thanh long là ngôi nhà mái ngói kiểu nhà xưa của ông Chín, cùng với ao nuôi cá, ụ rơm, cối giã gạo – chỉ có những vùng nông thôn.

Ông Nguyễn Ngọc Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ cho biết, sau dịch Covid-19, địa điểm của gia đình ông Nguyễn Văn Chín đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước khi dừng chân đến Bình Thuận.

Phía sau vườn thanh long là ngôi nhà ông Chín kiểu nhà mái ngói xưa. Ảnh: KS.

Phía sau vườn thanh long là ngôi nhà ông Chín kiểu nhà mái ngói xưa. Ảnh: KS.

Đây là mô hình mà xã Hàm Mỹ khai thác từ cây lợi thế và đặc sản của địa phương nói riêng, tỉnh Bình Thuận nói chung để tạo điểm nhấn thu hút du khách đến check in, tìm hiểu quá trình trồng và chăm sóc cây thanh long. Đặc biệt, khi du khách đến đây sẽ có cảm giác tự tay cắt từng quả chín rồi thưởng thức thanh long tươi ngon, ngọt mát ngay tại vườn hay trải nghiệm cuộc sống đời thường của người dân địa phương. Tất cả sẽ tạo nên những kỷ niệm thú vị, mới lạ và đáng nhớ đối với bất cứ ai đến điểm tham quan vườn thanh long này.

 Ông Nguyễn Văn Chín cho biết, vườn thanh long của gia đình có diện tích gần 1 ha. Để cho du khách tận hưởng quả thanh long tại chỗ, ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình trồng thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như thường xuyên giữ quả chín trong vườn.

Ụ rơm chỉ có ở vùng nông thôn. Ảnh: KS.

Ụ rơm chỉ có ở vùng nông thôn. Ảnh: KS.

Theo ông Nguyễn Văn Chín, thông thường vườn thanh long nhà ông đón khách nhộn nhịp vào dịp hè. Những tháng hè này, gia đình đón 10 đoàn khách trong và ngoài nước. Trong đó, đầu tháng 8 này, gia đình đón 4 đoàn khách ở TP HCM, Hà Nội, Nga, Đài Loan khoảng 60 người. Mỗi du khách đến tham quan được gia đình bán vé với giá niêm yết 20.000 đồng/người. Tuy nhiên nhiều khách đoàn là trẻ em, học sinh, gia đình cũng chỉ thu 10.000 đồng/người.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chín, với nguồn thu từ đón khách, gia đình có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như đầu tư chăm sóc, bón phân cho vườn thanh long. Mặt khác với cách làm này cũng đã góp phần quảng bá trái thanh long, du lịch tỉnh Bình Thuận.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Thuận, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ cho biết, năm 2015, xã Hàm Mỹ là một trong những địa phương ở huyện Hàm Mỹ về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây đời sống, vật chất tinh thần của người dân của địa phương ngày càng nâng lên, nhất là thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, hiện gần 45 triệu/năm. Để làm được điều đó, địa phương phối hợp cơ quan chuyên môn tập huấn, chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi cho bà con như: trồng chanh dây, dừa xiêm, nuôi lươn không bùn...Các mô hình bước đầu đều mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà. 

Bình luận