Đây là cơ hội đưa sản phẩm thuộc Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nông sản của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong nước và nước ngoài.
Giám đốc HTX Nhung Lũy Đinh Tuyết Nhung cho biết, HTX ký hợp đồng với 10 tổ hợp tác trồng bí xanh thơm trên địa bàn xã Địa Linh và Yến Dương thuộc huyện Ba Bể với diện tích khoảng 23 ha. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cho nên khi đưa lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đã nhận phản hồi tích cực của người tiêu dùng...
Vi Hương là một trong những xã của tỉnh Bắc Kạn được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Ngày 22/12/2020, Vi Hương công bố kết quả giai đoạn 1 chuyển đổi số, là xã đầu tiên trong cả nước có được kết quả này.
Được hỗ trợ chuyển đổi số, HTX Thiên An đã hoàn thiện được quy trình sản xuất các sản phẩm, như: Thuốc tắm của đồng bào Dao mang các nhãn hiệu Phục dưỡng hoa, Mộc vượng xuân, An mộng nhi; Cao Gắm; gối thảo dược... Sản phẩm được cấp giấy phép lưu hành, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và được đăng ký bảo hộ theo quy định. Đặc biệt, HTX được hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và giờ đã có trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; Fanpage giới thiệu các sản phẩm trên mạng xã hội; nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản AgriConnect được xây dựng để kết nối các gian hàng trên các sàn Postmart, Tiki, Shopee...
Giám đốc HTX Thiên An, bà Lý Thị Quyên cho biết: “Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng sản phẩm tiêu thụ có giảm, nhưng nhờ thương mại điện tử, trung bình mỗi tháng, HTX có khoảng 350 đơn hàng đặt online, chiếm đến 70% tổng số đơn hàng. Sản phẩm tiếp cận các thị trường Quảng Ninh, Hải Phòng cho đến TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng... Nhờ vậy, giải quyết công ăn việc làm cho từ 15 đến 20 lao động địa phương, với thu nhập trung bình bốn triệu đồng/tháng”.
Với mục tiêu mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp một số đơn vị, doanh nghiệp triển khai xây dựng sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong nước và nước ngoài. Từ sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bắc Kạn tập huấn cho 45 HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác về kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Sendo, Tiki, Voso...; kỹ năng làm phim để quảng bá sản phẩm. Qua đó, đã có 56 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, trên cổng thông tin của Liên minh HTX Việt Nam, Bắc Kạn hiện đã có 44 sản phẩm của 33 HTX được giới thiệu.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký kết hợp tác triển khai sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn có tên miền www.bkmarket.vn với Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam (Hà Nội). Thông qua sàn thương mại điện tử này, Bắc Kạn quảng bá và phân phối các sản phẩm OCOP; giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sản xuất quản lý thông tin sản phẩm dịch vụ; giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn Trần Ngọc Quang, thông qua tập huấn, tư vấn, hỗ trợ, hiện tại, đa số các HTX tại Bắc Kạn đã biết cách bán hàng online, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn sẽ xây dựng trang thông tin điện tử kết hợp thực hiện chức năng sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 có 40% số xã có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 80% số website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% số doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.
Với Bắc Kạn, đây là cơ hội phát triển sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, giúp nông sản của Bắc Kạn dần được nâng tầm giá trị, có đầu ra ổn định.
Mic.gov.vn