Người nuôi động vật hoang dã cần hiểu về virus, mầm bệnh
Phát động chiến dịch thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng
Thay đổi thói quen tiêu thụ thịt thú rừng của người dân thành thị
NGO chung tay thay đổi hành vi tiêu thụ động vật hoang dã
Ngày 28/10, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đồng chủ trì Hội thảo truyền thông chủ đề “Vai trò của các tổ chức phi phính phủ (NGO) trong nỗ lực thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng có nguy cơ lây truyền bệnh dịch từ động vật sang người”.
Đây là sự kiện thuộc khuôn khổ hợp tác nông nghiệp và triển khai Khung đối tác Một sức khoẻ về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người.
Hội thảo nhằm hỗ trợ triển khai một số mục tiêu của Khung Đối tác Một sức khỏe giai đoạn 2021-2025 theo cơ chế đồng chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường ký với 29 đối tác phát triển quốc tế và gần 40 NGOs thông qua đó huy động nguồn lực và tri thức từ các NGO cho ngăn chặn rủi ro dịch bệnh nguy hiểm từ động vật hoang dã (ĐVHD).
Bên cạnh đó, tạo khuôn khổ, diễn đàn đối thoại cho các NGO và phối hợp đa ngành nhằm giảm thiểu nguy cơ lan truyền bệnh từ động vật sang người, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông giảm cầu thịt thú rừng.
Hội thảo truyền thông 'Vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nỗ lực thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng có nguy cơ lây truyền bệnh dịch từ động vật sang người'.
Hội thảo truyền thông “Vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nỗ lực thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng có nguy cơ lây truyền bệnh dịch từ động vật sang người”.
Nguyên nhân của dịch bệnh trên động vật và nguy cơ lây truyền sang người do nhập lậu, vận chuyển, giết mổ gia cầm, gia súc bất hợp pháp, đặc biệt là động vật hoang đã mang mầm bệnh.
Tình hình dịch bệnh trên thế giới đang biến động khôn lường, cần sự chung tay của các đối tác chính phủ và quốc tế, trong đó có vai trò quan trọng của các NGO.
Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có nhiều hành động mạnh mẽ chống săn bắn, buôn bán trái phép ĐVHD. Năm 2020, ký ban hành chỉ thị về quản lý ĐVHD, trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu ĐVHD cho đến khi có chỉ đạo mới và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán ĐVHD trái pháp luật.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế trong đó có WWF các chương trình cứu trợ, thả ĐVHD như gấu, sao la,... về thiên nhiên.
“Để hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng khung thể chế nhằm quản lý, kiểm soát và đảm bảo an toàn cho con người, động vật và môi trường, đồng biệt nâng cao nhận thức về tiêu thụ thịt thú rừng, rất cần có sự chung tay của các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức NGO.
Đây là những tổ chức có thể cung cấp, huy động tri thức, tài chính, hỗ trợ đắc lực trong nỗ lực vì sức khoẻ cộng đồng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về an toàn thực phẩm, giảm cầu và kêu gọi công chúng nói không với tiêu thụ thịt thú rừng”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết.
Về phía đồng chủ trì hội nghị, ông Bill Possiel, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam, kêu gọi các tổ chức NGO và các bên liên quan cùng hợp tác chung tay hành động nhằm thay đổi nhận thức và thói quen tiêu thụ thịt thú rừng trong các tầng lớp xã hội Việt Nam.
“Theo ông, mỗi tổ chức NGO, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức xã hội nghề nghiệp đều có vai trò quan trọng và thế mạnh chuyên môn riêng. Tuy nhiên, chỉ khi cùng hợp tác trong chương trình Một sức khoẻ của Việt Nam mà nòng cốt là Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và Bộ TN-MT, chúng ta mới có thể thành công trong công cuộc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ các loài hoang dã cũng như bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên”, ông Possiel kêu gọi.
Hướng ứng cách tiếp cận Một sức khỏe, ngày 21/10 vừa qua, WWF-Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phát động Chiến dịch Truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thiên nhiên.
Theo đó, người tiêu dùng được cung cấp thông tin về các rủi ro nghiêm trọng khi ăn thịt rừng, từ đó họ có thể tự quyết định thay đổi hành vi của mình vì sức khỏe của chính họ và cộng đồng.
Chiến dịch cũng hướng đến các đối tượng công chúng nói chung nhằm thay đổi quan niệm xã hội, ngăn chặn nguy cơ bùng phát các đại dịch tiếp theo. Chiến dịch được thử nghiệm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, nơi việc tiêu thụ thịt thú rừng đang diễn ra phổ biến.
Thúc đẩy truyền thông từ phía NGO để thay đổi hành vi tiêu thụ ĐVHD
Thảo luận về vai trò của NGO trong hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tiêu dùng thịt thú rừng, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng nhóm Bảo tồn và sức khỏe động vật hoang dã -WCS Việt Nam chia sẻ, cơ quan này đang tập trung hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm các tác nhân gây bệnh trên ĐVHD để đưa ra những bằng chứng khoa học để củng cố, hỗ trợ các hoạt động truyền thông và các hoạt động nhằm thay đổi, rà soát chính sách Việt Nam trong ngăn chặn, buôn bán ĐVHD và tiêu thụ ĐVHD trong tương lai.
“Sắp tới WCS sẽ phối hợp với Cục Thú y - Bộ NN-PTNT tìm kiếm và phát hiện các virus SARS-CoV và chủng vi rút thuộc họ corona trên quần thể hoang dã được gây nuôi hoặc quần thể ĐVHD ở ngoài tự nhiên có tiếp xúc gần với các trang trại và trung tâm cứu hộ”, ông Long cho biết đây sẽ là một minh chứng khoa học vững chắc để chứng minh rằng ĐVHD đã, đang và sẽ là nguồn lưu trú, lây nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc giữa con người và ĐVHD và mang tới các hoạt động truyền thông.
Về phía tổ chức SAVE Vietnam Wildlife, các chương trình, chiến dịch truyền thông được thiết kế dựa trên chuỗi cung ứng ĐVHD từ săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, mang tới nhà hàng và người tiêu thụ.
Theo ông Phạm Văn Thông, Trưởng phòng Nghiên cứu bảo tồn của tổ chức, dù có Luật Thú y nhưng vấn đề quản lý hoạt động của trang trại ĐVHD vẫn là một khoảng trống. Như vậy, đây cũng là chủ thể để tổ chức phi chính phủ này tập trung xúc tiến truyền thông.
Liên quan đến chiến lược và hoạt động của các tổ chức xã hội, NGO và thay đổi hành vi tiêu dùng thịt thú rừng, bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Truyền thông Pan Nature cho biết, chưa có quy định xử phạt người tiêu dùng nên công tác truyền thông vô cùng quan trọng.
Các hoạt động của Pan Nature được chia làm hai mảng trong đó hướng tới công chúng với một trang web thông tin về ĐVHD với nội dung giáo dục về bảo tồn và cảnh báo về các hành vi tiêu dùng ĐVHD; xây dựng các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội Facebook, Youtube, tập trung vào các đối tượng tiềm năng tiêu dùng ĐVHD để thay đổi nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng. Bà cũng đề cao vai trò của báo chí trong hoạt động nâng cao nhận thức của công chúng và đấu tranh chống buôn bán ĐVHD nhờ các buổi tập huấn, tuyên truyền, chuyến điều tra về buôn bán ĐVHD...
Trong khuôn khổ cơ chế Khung đối tác Một sức khoẻ về truyền thông thay đổi hành vi tiêu dùng thịt thú rừng, các chuyên gia đến từ Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc FHI360, Tổ chức về bảo vệ động vật HSI, Dự án Transform thuộc Tập đoàn Cargill và TE Food đã đề xuất các giải pháp và hoạt động sắp tới để thay đổi hành vi tiêu thụ động vật hoang dã.
Theo đó, các chuyên gia đề xuất cần đẩy mạnh truyền thông chính sách bên cạnh truyền thông đại chúng do chính sách có tầm ảnh hưởng lớn tới hành vi của người tiêu dùng; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm gia cầm và cá cho bữa ăn gia đình để gián tiếp đóng góp cho hành vi tiêu dùng ĐVHD; bồi đắp kinh nghiệm cho các cá nhân, tổ chức về bảo tồn động vật hoang dã; nâng cao kiến thức của nhóm đối tượng liên quan trực tiếp đến việc xử lý buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép bao gồm kiểm lâm, hải quan; hướng tới kiểm soát chăn nuôi và tiêu thụ ĐVHD an toàn để đầy lùi việc tiêu thụ, khai thác ĐVHD trái phép.