Cần những doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt nông nghiệp thông minh

Bình luận · 94 Lượt xem

Việt Nam mới chỉ có khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối tượng có năng lực áp dụng khoa học công nghệ vào nô

Đó là nhận định của ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao tại “Diễn đàn nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh- đột phá từ công nghệ” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức chiều 23/7, tại Hà Nội.

Theo ông Sơn, lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp ở Việt Nam khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp. Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, chỉ khoảng 1 - 2% doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp).

Cần những doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt nông nghiệp thông minh - Ảnh 1

Đặc điểm phần lớn chủ thể sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp Việt Nam còn là kinh tế hộ nhỏ lẻ. Đối tượng có năng lực áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và lớn thì lại có số lượng rất hạn hẹp.

Hơn nữa, những khó khăn chính đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ như: thiếu quỹ đất để tổ chức sản xuất trên quy mô lớn; thiếu vốn để đầu tư; thiếu gắn bó và hỗ trợ của các viện, trường, cơ quan nghiên cứu; thiếu thông tin và nguồn cung cấp công nghệ; thiếu lực lượng chuyên gia tư vấn có năng lực; bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ yếu kém; cơ sở hạ tầng thiếu thốn nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng…

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Sơn cho rằng phải có giải pháp để những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang ứng dụng công nghệ cao mở rộng quy mô sản xuất, trở thành hạt nhân lan tỏa và hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với các hợp tác xã và toàn thể nông dân.

“Làm sao để các doanh nghiệp “đứng” được trên các địa bàn như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, “đứng” được trên các ngành chiến lược như lúa gạo cà phê, điều, thuỷ sản…”, ông Sơn trăn trở.

Do đó, ông Sơn đề xuất cần hỗ trợ các doanh nghiệp đi đầu này. Đó là, phải hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực.

Ông Đặng Kim Sơn: "Phải có giải pháp để những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang ứng dụng công nghệ cao mở rộng quy mô sản xuất, trở thành hạt nhân lan tỏa".
Ông Đặng Kim Sơn: "Phải có giải pháp để những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang ứng dụng công nghệ cao mở rộng quy mô sản xuất, trở thành hạt nhân lan tỏa".

Tại đây nhà nước và doanh nghiệp có cơ chế phối hợp, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ. Hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp “đầu tàu” chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường.

Gắn bó xung quanh hạt nhân này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các hợp tác xã trang trại và hộ nông dân liên kết tạo thành một tổng thể đồng bộ về quy trình công nghệ, xuất xứ hàng hóa, cùng cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian cho hoạt động chế biến và kinh doanh.

Mặt khác, theo ông Sơn cần áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

“Vấn đề chính cần đặt ra không phải là giải pháp công nghệ mà trước hết là thể chế và chính sách mở đường. Cần tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích tối đa những doanh nghiệp “đầu đàn” áp dụng công nghệ cao trở thành hạt nhân phát triển, tạo tác động lan tỏa cho toàn hệ sinh thái sản xuất kinh doanh”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cụ thể, cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học.

Cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của hệ thống khuyến nông và dịch vụ tư vấn công nghệ, hình thành quan hệ phục vụ khách hàng với đội ngũ cán bộ chuyển giao kỹ thuật, gắn hiệu quả phục vụ người sản xuất với lợi ích thiết thân của họ.

Đồng thời, đổi mới cung cách đào tạo cán bộ kỹ thuật để hình thành đội ngũ chuyên môn có tay nghề cao, phục vụ mọi đối tượng sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Đổi mới căn bản thủ tục hình thành, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ để hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao tạo ra các cụm liên kết ngành, tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, công viên nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo đối tác công-tư.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần có sự tham gia sâu rộng của các tập đoàn, đặc biệt là các tập đoàn dẫn dắt trong nông nghiệp bởi họ là người đặt hàng và tham gia giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và khu vực.

“Tôi mong rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp thu những bước phát triển, những mô hình, kiến thức theo hướng chia sẻ đem ứng dụng vào Việt Nam để thúc đẩy nông nghiệp phát triển xanh, phát triển bền vững… Các nước đều có định hướng nông nghiệp riêng theo hướng bản địa, hoặc theo các tập đoàn lớn, vậy Việt Nam sẽ áp dụng mô hình nào... rất cần sự kết nối, chia sẻ”, ông Quất nói.

Bình luận