Gửi về Nghệ An: Ô nhiễm khủng khiếp kênh Sông Sào

Bình luận · 244 Lượt xem

Công trình thủy lợi Sông Sào có vai trò đặc biệt quan trọng trong phục vụ nông nghiệp và dân sinh cho nhiều địa phương ở Nghệ An, nhưng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Công trình thủy lợi Sông Sào được xây dựng từ năm 1999, nguồn vốn tại thời điểm đó là 485 tỷ đồng, do trái phiếu Chính phủ cấp, Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy lợi lớn, cụm đầu mối được xây dựng tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), bao gồm: Một đập chính và một đập phụ có tổng chiều dài 1.130m; tràn xả lũ điều tiết bằng điện năng và hai tuyến cống lấy nước. Dung tích hồ chứa 51 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho 5.600ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp ở huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa và cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân trong vùng hưởng lợi.

Hệ thống kênh gồm kênh Chính Giữa, kênh Chính Đông và kênh Chính Tây với tổng chiều dài hơn 200km. Hệ thống kênh được xây bằng bê tông cốt thép và có hàng trăm công trình khác như xi phông, cống lấy nước, tràn thoát lũ, cầu cống giao thông cơ giới và dân sinh.

Cống và kênh đầu mối hồ Sông Sào: Ảnh: Hồ Quang.

Cống và kênh đầu mối hồ Sông Sào: Ảnh: Hồ Quang.

"Xanh hóa" nhiều vùng đất khô cằn

Năm 2005, cùng với việc hệ thống công trình đã hoàn thành ở giai đoạn một, Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ được UBND tỉnh Nghệ An giao quản lý vận hành khai thác.

Khó khăn nhất trong công tác điều hành, dẫn nước tưới tiêu là hệ thống kênh trải dài, đi qua nhiều khu vực dân cư, khe suối và núi đồi rất phức tạp. Mặc dù vậy, Công ty đã bố trí nhân vật lực luôn túc trực tại các trạm để thực thi nhiệm vụ dẫn nước đến tận từng thửa ruộng của nông dân.

Những cánh đồng lúa bạc màu của các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Hội, Nghĩa Bình, Nghĩa Lâm… (huyện Nghĩa Đàn) trước đây luôn thiếu nước, năng suất chỉ đạt 40 - 50 tạ/ha, nhưng sau khi có hệ thống kênh Sông Sào cấp đủ nước thì năng suất đã vượt lên đến 60 - 70 tạ/ha.

Ông Nguyễn Long An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho hay: “Xã tôi có gần 300ha lúa nước, trước đây mỗi năm làm được một vụ, còn một vụ bấp bênh nhờ trời, vì vậy năng suất lúa rất kém, thế nhưng kể từ khi có nước kênh Sông Sào phục vụ tưới, năng suất lúa luôn tăng lên hơn 30%. Diện tích trồng màu cũng như các loại cây trồng khác đều tăng trưởng cả về năng suất và chất lượng”.

Ông Hoàng Trần Lâm, Giám đốc Công ty Thủy lợi Phủ Quỳ khẳng định: Giai đoạn 1 của hệ thống công trình hoàn thành, hồ Sông Sào đã tích nước đủ dung tích thiết kế (51 triệu m3), các tuyến kênh đã cấp đầy đủ, kịp thời cho hơn 4.000ha lúa ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Hội, Nghĩa Phú, Nghĩa Bình (thuộc huyện Nghĩa Đàn) và Nghĩa Hòa, Long Sơn ( thuộc thị xã Thái Hòa).

Theo đó, năng suất lúa và các loại cây trồng khác đều tăng lên vượt bậc. Không những thế, kể từ khi có nước trong kênh, tất cả các vùng đất khô khát trước đây đã trở nên tươi mát. Ngoài phát triển các loại cây nông nghiệp, rau màu và công nghiệp, nông dân trong vùng hưởng lợi còn khai khẩn thêm đất hoang hóa, đào thêm ao để tăng tốc phát triển đàn gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản.

Công ty Thủy lợi Phủ Quỳ huy động lực lượng vét rác trên kênh mương của hệ thống thủy lợi Sông Sào. Ảnh: Hồ Quang.

Công ty Thủy lợi Phủ Quỳ huy động lực lượng vét rác trên kênh mương của hệ thống thủy lợi Sông Sào. Ảnh: Hồ Quang.

Hồ Sông Sào còn cấp nước tưới cho hàng ngàn ha đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH. Nguồn nước hồ Sông Sào dồi dào, mặc cho thời tiết thiên tai khô hạn kéo dài, nhưng nước trong kênh vẫn luôn chủ động phục vụ tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt thỏa mãn cho dân, các tuyến kênh còn luôn đổ nước bổ sung đầy đủ, kịp thời cho hàng trăm hồ đập, ao đầm của địa phương.

Năm 2015, hệ thống công trình tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2, tuyến kênh đã kéo dài thêm 25km, trong đó có một tuy nen thi công xuyên qua núi với chiều dài 1.350m. Lúc này tuyến kênh đã tưới thêm được hơn 1.500ha lúa ở các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thuận, Đông Hiếu (thuộc thị xã Thái Hòa) và Nghĩa Long, Nghĩa Lộc (thuộc huyện Nghĩa Đàn).

Đến nay, hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi Sông Sào đem lại là rất lớn, chính nó là tác nhân tích cực nhất để các địa phương phát tiển kinh tế đi lên, diện mạo nông nghiệp, nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc… Thế nhưng có ai hiểu cho nỗi cơ cực của đội ngũ vận hành phục vụ tưới tiêu đã phải ngày đêm túc trực, có khi phải ngụp lặn dưới kênh để vét rác dẫn dòng.

Rác thải tấp đầy kênh, ô nhiễm không tả nổi

Những ngày đầu tháng 5, nắng miền Trung như đổ lửa và gió Lào thổi rát khô cả người, chúng tôi theo chân một số cán bộ nhân viên Công ty Thủy lợi Phủ Quỳ đi làm nhiệm vụ. Đến bên một tuyến kênh đang bị rác thải tấp đầy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng ken đặc.

Rác thải và xác động vật chất đầy dưới kênh Sông Sào. Ảnh: Hồ Quang.

Rác thải và xác động vật chất đầy dưới kênh Sông Sào. Ảnh: Hồ Quang.

Tôi đưa áo bảo hộ che nắng lên phủ đầu bịt mũi. Còn anh Hồ Sang, kỹ sư thủy lợi là Phó Trạm trưởng ở đây vừa đưa cào chìa kéo xác động vật từ dưới kênh lên vừa than thở: "Mỗi lần mở nước dẫn dòng là mỗi lần anh em vô cùng vất vả. Rác thải đủ các loại do dân thải xuống kênh đã làm tắc nghẽn các lưới chắn, nhiều lúc anh em phải ngụp lặn xuống kênh mới có thể kéo rác lên bờ được. Khổ nhất là xác chết động vật như gà, lợn, chó mèo... người dân cứ để vậy vứt bừa xuống kênh, còn các loại xác chết động vật lớn hơn thì họ cho vào bao bì rồi cũng tống cả xuống kênh, mỗi lần vớt chất thải này lên bờ là mùi hôi thối ô uế bốc lên, không thể nào thở được".

Anh Phan Hữu Đồng, Trạm trưởng kênh Đông bức xúc: "Trời nắng nóng như thiêu như đốt mà anh em đi vớt rác, vớt cả xác động vật chết thối tấp đầy kênh là giống như tra tấn cực hình. Nhưng mà vì nhiệm vụ, vì những cánh đồng lúa của nông dân đang ngày đêm khát nước nên chúng tôi không thể nề hà.

Tuyến kênh Đông lấy nước từ kênh Giữa ở đầu xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn) rồi xuôi đến xã Nghĩa Mỹ (thị xã Thái Hòa) chiều dài hơn cả chục cây số, đi qua nhiều làng mạc xóm thôn của xã Nghĩa Hội, Nghĩa Bình và thị trấn, thế nên chính quyền cũng không thể biết ai, ở đâu đã vứt rác thải và xác động vật xuống lòng kênh".

Anh Đồng bảo, trước đây rác thải của dân cũng được thu gom, rồi xe của môi trường đến chở đi về nhà máy tiêu hủy, thế nhưng dân ở hai bên bờ kênh thì đêm đêm họ vẫn lén lút vứt rác xuống kênh. Bây giờ nhà máy xử lý chất thải của huyện đã đóng cửa, kể từ đầu năm 2023 đến nay vẫn chưa thấy hoạt động trở lại, vì thế người dân đổ rác ra khắp đường làng ngõ xóm và tống khứ bất cứ chất thải gì cùng xác động vật xuống lòng kênh.

Rác thải ban ngày người dân vứt bên đường, đêm xuống thì thả xuống kênh Sông Sào. Ảnh: Hồ Quang.

Rác thải ban ngày người dân vứt bên đường, đêm xuống thì thả xuống kênh Sông Sào. Ảnh: Hồ Quang.

Đến kênh Giữa, anh Mai Minh Hảo, Trạm trưởng bảo: "Rác thải và xác chết vật nuôi do dân đổ xuống kênh thời gian này nhiều lắm, mỗi lần anh em đi vớt rác về là người và quần áo thối inh. Việc này anh em cũng đã trao đổi với chính quyền và các trưởng thôn, nhưng dân cứ làm lén lút, không có ai bắt được".

Ông Nguyễn Long An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung xác nhận: Tuyến kênh Sông Sào đi qua rất nhiều thôn xóm của xã. Mặc dù lãnh đạo xã cũng đã chỉ đạo các trưởng thôn phải luôn chú ý làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nếu ai đổ rác xuống kênh sẽ bị xử lý. Nhưng nước kênh thì cứ chảy, còn dân thì thiếu ý thức nên cứ chờ đêm xuống là họ vứt rác xuống lòng kênh. Tai hại nhất là kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy xử lý chất thải của huyện đã đóng cửa, nên lãnh đạo xã cũng chỉ biết vận động người dân gom rồi tự hủy.

Chúng tôi đến gặp gỡ nhiều người dân ở các xã có dòng kênh đi qua, hỏi các bác cứ đổ rác xuống kênh là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, là làm khổ đội ngũ cán bộ công nhân luôn vét rác dẫn dòng trên kênh. Ông Nguyễn Văn L ở làng Lọ, xã Nghĩa Trung bảo: Nhà máy xử lý chất thải của huyện đã đóng cửa rồi, do bí quá nên chúng tôi phải đổ rác xuống kênh.

Bình luận