Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

Bình luận · 414 Lượt xem

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch Viện Ng

 Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tọa đàm tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế, diễn giả, nhà khoa học và các đơn vị khác có nghiên cứu, dự án về phát triển cộng đồng. Tại điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo UBND và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, diễn giả, đại diện các mô hình.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định lại vai trò quan trọng của cộng đồng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng cho biết, cuộc tọa đàm sẽ tiếp cận cộng đồng không phải là một mô hình, thiết chế mà là một tư duy, một cách tiếp cận mới. Bộ trưởng mong rằng những câu chuyện bàn luận tại tọa đàm sẽ giúp hiểu chiều sâu và giá trị của cộng đồng để thoát ra khỏi tư duy hành chính. Từ đó, bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn. Tọa đàm chính là để xem lại những định hướng và nội dung của cách tiếp cận cộng đồng. Không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động sức mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) Cao Đức Phát cho biết, các nhà kinh tế hay nói về chính sách, các nhà kỹ thuật nói về kỹ thuật và các nhà quản lý hành chính thường hay nói về các biện pháp hành chính, nhưng phát triển nông nghiệp không phải là vì cây lúa hay con heo mà vì người nông dân là chính. Vì thế, phát triển ngành nông nghiệp phải được coi là công tác nông vận, đồng thời kết hợp với chính sách, kỹ thuật và giải pháp hành chính. Chúng ta không thể chỉ dùng ngân sách để có thể phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn một bền vững được nếu thiếu sự tham gia, đóng góp của người nông dân. Nông nghiệp, nông thôn muốn phát triển ổn định, bền vững được phải dựa vào nông dân.

Các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Bản chất của cộng đồng và làm sao để phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp nông thôn; Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển cộng đồng và kinh nghiệm phát triển cộng đồng tại Việt Nam; Một số mô hình cộng đồng hiệu quả của các địa phương …

Là người có nhiều năm nghiên cứu và trăn trở với phát triển kinh tế cộng đồng, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn mở đầu bài phát biểu bằng việc nhắc đến sự gắn bó giữa 3 thực thể là: cơ chế thị trường, Nhà nước và cộng đồng xuyên suốt chiều dài lịch sử. Ông Sơn cho rằng: Nếu chúng ta chỉ dựa vào Nhà nước thì sẽ quá tải, Nhà nước không thể làm được. Vì vậy cần có sự tham gia của người dân với tư cách là một cộng đồng vào xây dựng và ngành nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

Để phát triển lại mô hình cộng đồng nông thôn, ông Sơn cho rằng cần tổ chức ra đơn vị cộng đồng nhân dân như hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác, hội quán. Đồng thời, lấy hoạt động kinh tế phát triển tổ chức cộng đồng. Đó là xây dựng tổ chức nhân dân, huy động sức mạnh cộng đồng nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP chia sẻ, với tư tưởng xuyên suốt cộng đồng tham gia – làm chủ - hưởng lợi, với phương châm tư duy toàn cầu – hành động cơ sở, cộng đồng luôn là trung tâm, chủ đạo của Chương trình tài trợ nhỏ UNDP (SGP). Từ thực tiễn triển khai nhiều chương trình, dự án, có thể khẳng định mấy vấn đề rất cơ bản và quan trọng: Thứ nhất, chỉ khi nào cộng đồng tham gia chủ động, đầy đủ và làm chủ sáng kiến mới thật sự đem lại hiệu quả. Thứ hai, phát triển sinh kế không thể không gắn với quản trị tài nguyên, tăng cường tiếp cận văn hoá và tôn trọng tri thức bản địa. Thứ ba, phát huy tối đa nội lực cộng đồng thông qua du lịch và học tập phong phú và thiết thực. Thứ tư, xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội và phát huy sức mạnh cộng đồng.

Tại tọa đàm, tinh thần Saemaul Undong (Hàn Quốc), dự án Làng thí điểm Saemaul tại Việt Nam, Hợp tác xã Saemaul; phương pháp phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng - phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (ABCD) cũng được chia sẻ.

Những chủ thể trực tiếp tham gia thực hiện các mô hình, dự án về cộng đồng đã chia sẻ về một số kinh nghiệm. Trong đó, có quá trình hình thành và phát triển Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên); Cộng đồng tham gia bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thủy sản (tỉnh Bình Thuận); Sản xuất nông nghiệp theo hướng đa tầng gắn với du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp của Minh Tâm hội quán (tỉnh Đồng Tháp), mô hình du lịch cộng đồng tại Hà Giang nhằm phát huy bản sắc dân tộc thiểu số.

Nhiều đại biểu kiến nghị, ngành chức năng cần quan tâm đến việc đầu tiên là làm thay đổi tư duy của cán bộ quản lý thông qua đào tạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn dựa vào cộng đồng. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và giải pháp giúp phát triển cộng đồng, nhân rộng mô hình, dự án hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cần sự vào cuộc của các tổ chức chính trong tuyên truyền, vận động. Hỗ trợ các cộng đồng và tổ chức cộng đồng trong đổi mới sáng tạo, tiếp cận vốn, khoa học công nghệ mới, quảng bá sản phẩm ... để phát triển sinh kế bền vững gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ... Đồng thời phải có hoạt động kiểm tra giám sát, có chế tài cụ thể đối với hoạt động cộng đồng để đảm bảo phát triển bền vững.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nêu ra 05 yếu tố để có thể phát huy được sức mạnh cộng đồng. Đó là: 1) Cần có nhận thức rõ ràng và đúng đắn trong các cộng đồng về mục tiêu muốn hướng đến; 2) Cần có sự quan tâm, ủng hộ từ các lãnh đạo địa phương, điều này là yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi cho các cộng đồng phát triển; 3) Có định hướng rõ ràng, từ trung ương đến cơ sở, đến từng thôn, từng xóm để có thể phát triển đúng hướng; 4) Cần có cán bộ, có nhân lực nòng cốt, tâm huyết, được đào tạo để thực hiện; 5) Có môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi, trong đó quan tâm đến việc trao quyền cho các cộng đồng phát triển để bà con có thể phát huy khả năng của mình.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc không tận dụng nguồn lực từ các cộng đồng có thể tạo ra một sự trông chờ, ỷ lại, làm tê liệt sáng kiến, sáng tạo và năng lượng trong cộng đồng. Như vậy, cần kích hoạt sự tham gia của các cộng đồng, như thành lập các hội quán để kích hoạt sự tham gia, tự chủ và tự lực của cộng đồng.

Theo Bộ trưởng, cần phải xây dựng được thủ lĩnh cộng đồng, có thiết chế, thiết lập bài bản các chuyên đề, giáo trình để phát triển cộng đồng. Giáo trình này cũng cần dễ hiểu, dễ tiếp xúc và hướng dẫn dần dần để mô hình cộng đồng có thể được thẩm thấu đến người dân và lan tỏa hiệu quả tại các địa phương. Quan trọng là để cho cộng đồng người dân tự lập kế hoạch, khi cộng đồng người dân đã làm hết sức thì mới tính đến lập kế hoạch vận động sự tham gia của xã hội. Tư duy nội lực từ dưới lên mới là tư duy bền vững.

Bộ trưởng mong rằng những vấn đề được đưa ra tại buổi tọa đàm sẽ giúp các cơ quan quản lý hiểu được chiều sâu và giá trị của cộng đồng, thoát ra khỏi tư duy hành chính để từ đó, bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế, có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng.

BBT

Bình luận