KOPIA Việt Nam sẽ mở rộng thành trung tâm đầu mối chiến lược của châu Á

Bình luận · 105 Lượt xem

Trung tâm đầu mối tại Việt Nam nhằm tăng quy mô về nhân lực, ngân sách để chuyển giao, phổ cập kỹ thuật nông nghiệp sang các nước lân cận.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với ông Chang An Cheol, Trưởng ban Kỹ thuật nông nghiệp đối ngoại của Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA)/ Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA). Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với ông Chang An Cheol, Trưởng ban Kỹ thuật nông nghiệp đối ngoại của Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA)/ Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA). Ảnh: Linh Linh.

Chiều 16/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã tiếp và làm việc với ông Chang An Cheol, Trưởng ban Kỹ thuật nông nghiệp đối ngoại của Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA)/ Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá mối quan hệ hợp tác hai bên rất chặt chẽ và thiết thực. Trong nhiều năm qua, phía Hàn Quốc, đặc biệt Trung tâm KOPIA đã hỗ trợ tích cực cho nỗ lực phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Khoa công nghệ, giáo dục và nguồn nhân lực chất lượng cao là 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Theo đó, trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là động lực để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia trên thế giới có khoa học công nghệ và nền kinh tế phát triển, có môi trường nghiên cứu tốt, có nhiều công nghệ mới mà phía Việt Nam mong muốn học tập. Nhà khoa học Hàn Quốc nhiệt tình trong việc hợp tác, giúp đỡ phía Việt Nam.

Thứ trưởng đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và hạ tầng nông thôn, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và nông nghiệp.

Ông Chang An Cheol (ảnh trái) tặng quà lưu niệm cho Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: Linh Linh.

Ông Chang An Cheol (ảnh trái) tặng quà lưu niệm cho Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: Linh Linh.

Qua gần 14 năm hoạt động hợp tác giữa KOPIA và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tại Việt Nam, KOPIA đã góp phần vào phát triển khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Các nhà nghiên cứu khoa học nông nghiệp của Việt Nam đã được tăng cường năng lực nghiên cứu. Thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, nhiều tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng mới đã được đưa vào sản xuất. Kết quả đã nâng cao thu nhập từ nông nghiệp cho người dân, góp phần vào mục tiêu an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Đặc biệt trong phát triển sản xuất lạc tại Nghệ An và phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm tại Yên Bái, nhiều kết quả của 2 dự án đã được áp dụng vào sản xuất và nhân rộng trên quy mô lớn.

Năm 2024 sẽ đánh dấu năm thứ 15 trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc đang có kế hoạch thực hiện dự án mới, mở rộng hợp tác nông nghiệp giữa hai bên để đánh dấu giai đoạn này.

“Sẽ có nhiều dự án sẽ kết thúc. Tuy nhiên, KOPIA Việt Nam là trung tâm đầu tiên được thành lập, cũng là một trong những trung tâm có ý nghĩa quan trọng trong dự án nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc với nhiều thành tựu. Vậy nên, chúng tôi cho rằng thay vì dừng lại một dự án đang thành công và có ý nghĩa lớn, chúng tôi muốn mở rộng dự án ra một trang mới với quy mô lớn hơn”, ông Chang An Cheol nêu quan điểm.

Năm 2024 sẽ đánh dấu năm thứ 15 trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ảnh: Linh Linh.

Năm 2024 sẽ đánh dấu năm thứ 15 trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ảnh: Linh Linh.

Trong số 23 Trung tâm KOPIA trên toàn thế giới, ông Chang tin tưởng Việt Nam là điểm đến lý tưởng để xây dựng trung tâm đầu mối này, nhằm tăng quy mô về nhân lực, ngân sách để chuyển giao, phổ cập kỹ thuật nông nghiệp sang các nước lân cận với vai trò như một trung tâm đầu mối cho các hoạt động hợp tác về nông nghiệp giữa RDA và các nước khu vực châu Á.

“Ví dụ về lĩnh vực dâu tằm tơ, tôi tin tưởng Trung tâm KOPIA Việt Nam có thể trở thành trung tâm phát triển ngành dâu tằm tơ trong khu vực, có thể thành lập trung tâm đào tạo, tập huấn ngành dâu tằm tơ Việt Nam và mời các quốc gia láng giềng để tập huấn, góp phần vào sự phát triển ngành dâu tằm tơ tại khu vực”, ông Chang cho biết và kêu gọi hai bên nỗ lực triển khai phương án này. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đồng tình với ý kiến của ông Chang. Với hai lĩnh vực về giống lạc và tằm tơ, Việt Nam có tiềm năng lớn. Việt Nam có 83.000 ha trồng dâu, nuôi tằm, phần lớn tập trung tại tỉnh Lâm Đồng, chiếm 75%. Hiện nay, nghề trồng dâu, nuôi tằm tại Việt Nam đang bắt đầu phục hồi sau một thời gian thoái trào.

Thứ trưởng khẳng định, khi hợp tác giữa hai bên đi vào thực tiễn, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các tỉnh thành, các cơ quan thuộc bộ, đặc biệt là về khoa học công nghệ triển khai các dự án có hiệu quả.

Bình luận