Cập nhật thông tin về thị trường nhập khẩu nông sản: Đòi hỏi tất yếu

Bình luận · 692 Lượt xem

Có khoảng 1.000 quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mỗi năm, nếu doanh nghiệp không cập nhật thông tin về thị trường nhập khẩu sẽ dẫn đến vi phạm.


 

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như: Mì gói, miến, hủ tiếu… sản phẩm có nguyên liệu chủ yếu từ các mặt hàng nông nghiệp, bà Vũ Phương Thảo - Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty ACECOOK Việt Nam - cho hay, các tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước ngày càng khắt khe. Với những thay đổi từ thị trường nếu doanh nghiệp không cập nhật kịp thời thiệt hại sẽ rất lớn, có thể bị hủy, tùy vào kênh phân phối. Hiện nay, doanh nghiệp đang thiếu kênh thông tin về yêu cầu thị trường nhập khẩu. Do đó, việc cập nhật được thường xuyên, liên tục về thị trường nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian hiểu và thực hiện theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trương Văn An - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thanh long Tầm Vu - cho biết, mặc dù HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, không phải sản phẩm đã đạt VietGAP rồi thì bán được ở tất cả các nước. Mỗi nước đều có tiêu chuẩn khác nhau. Hiện, HTX bán đi Trung Quốc 50% chủ yếu thanh long ruột đỏ. Còn lại bà con sản xuất thanh long ruột trắng để bán đi Nhật, Thái Lan… Do đó, việc cập nhật thông tin kịp thời để tránh thiệt hại.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó giám đốc Văn Phòng SPS Việt Nam - cho rằng, việc thực thi cam kết Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn bệnh dịch động, thực vật (SPS) trong EVFTA mỗi bên sẽ chỉ áp dụng các biện pháp SPS được chứng minh đảm bảo khoa học, phù hợp với rủi ro có liên quan. Đối với phía nhập khẩu sẽ đảm bảo các yêu cầu nhập khẩu công bằng, không phân biệt đối xử, đảm bảo minh bạch. Các thủ tục nhập khẩu phải đảm bảo mục tiêu giảm thiểu tiêu cực tới thương mại, bên xuất khẩu phải tuân thủ các yêu cầu của bên nhập khẩu.
Còn cam kết SPS trong RCEP các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính bị kiểm tra gắt gao thường bị trả về với lý do chưa đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Hàng năm các nước thành viên WTO công bố khoảng 1.000 quy định, thay đổi về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nếu doanh nghiệp, tổ chức sản xuất không cập nhật kịp thời thông tin yêu cầu của thị trường nhập khẩu sẽ rất dễ dẫn đến vi phạm.
Tại thị trường Trung Quốc, Ths. Trần Thùy Dung - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - cho hay, từ 1/1/2022, Trung Quốc đã áp dụng hệ thống khung pháp lý với quy định kiểm nghiêm ngặt gồm: Biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) và Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Lệnh 248). Trung Quốc không có chính sách mức dư lượng giới hạn tối đa cho phép (MRL) mặc định.
Ths. Trần Thùy Dung khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất nông sản trong nước cần cập nhật kiến thức về các FTAs, nắm bắt và tận dụng được các lợi thế về mặt phi thuế quan, đặc biệt là hiểu biết về các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm kiểm dịch động thực vật. Đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tập trung vào chất lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra của các tổ chức quốc tế liên quan như: Mã số vùng trồng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bao bì, nhãn mác, công nghệ xử lý, chế biến nông sản và quy trình kiểm dịch...

(congthuong.vn)

Bình luận