Hợp tác xã nông nghiệp ở Bắc Tây Nguyên: Ưu đãi nhiều, hiệu quả chưa cao

Bình luận · 245 Lượt xem

Dù được dành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, song có không ít hợp tác xã đã phải giải thể, có nơi chỉ có khoảng 35% số hợp tác xã hoạt động có lãi...

Chỉ khoảng 35% HTX hoạt động có lãi

Tại tỉnh Kon Tum, những năm qua, ngành chức năng đã có nhiều chương trình để hỗ trợ cho các hợp tác xã (HTX). Đơn cử như kết nối, đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP vào các điểm bán hàng ở một số thành phố như: TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM...

Lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) kiểm tra mô hình dược liệu hữu cơ xuất khẩu châu Âu của HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông. Ảnh: Tuấn Anh.

Lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) kiểm tra mô hình dược liệu hữu cơ xuất khẩu châu Âu của HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông. Ảnh: Tuấn Anh.

Bài liên quan

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 11 HTX với tổng kinh phí 238 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng trang website thương mại điện tử cho 4 HTX với tổng kinh phí 59,3 triệu đồng; tạo điều kiện cho các HTX vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với số tiền trên 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngành chức năng đã phân bổ 5,6 tỷ đồng cho UBND các huyện, thành phố để hỗ trợ cho 10 HTX xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; 21 dự án của các HTX được giao, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 730.300m2. Ngoài ra, các HTX được miễn, giảm các loại thuế, phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất với số tiền 11,7 tỷ đồng…

Các HTX được hưởng nhiều ưu đãi nên phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao. Năm 2018, tỉnh Kon Tum có 118 HTX thì chỉ có 52 HTX hoạt động hiệu quả; năm 2019 có 133 HXT thì chỉ có 57 HTX hoạt động hiệu quả; năm 2020 có 171 HTX thì chỉ có 64 HTX hoạt động hiệu quả và năm 2021 có 194 HTX thì chỉ có 69 HTX hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, một thực tế đáng buồn khác là cơ sở vật chất của HTX còn nhiều thiếu thốn. Như tại Kon Tum, khi đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đi giám sát vào tháng 8 đến tháng 9/2022, nhận thấy nhiều HTX nông nghiệp chưa thuê được đất để xây dựng trụ sở làm việc, nhà xưởng. Có HTX mượn nhà, đất của thành viên HTX hoặc mượn trụ sở của doanh nghiệp, hội trường thôn, trạm kiểm soát biên phòng cũ để làm trụ sở, đặt bảng hiệu HTX.

Người dân xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) liên kết trồng dược liệu với HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) liên kết trồng dược liệu với HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngoài ra, nguồn vốn nội tại của HTX còn thấp, không đủ điều kiện về tài sản hoặc năng lực sản xuất, kinh doanh để vay vốn. Đa số các HTX chưa xác định được ngành nghề mũi nhọn để đầu tư kinh doanh; chưa xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Thậm chí, có HTX sản xuất kinh doanh ngoài danh mục ngành nghề đã đăng ký.

Tại Gia Lai, đến quý I năm 2023, tỉnh này có 391 HTX với tổng vốn điều lệ của các HTX trên địa bàn là 833 tỷ đồng, trong đó có 70 HTX đã ngưng hoạt động vì không hiệu quả và chưa chuyển đổi theo luật.  Trong quý I năm 2023, tổng doanh thu của các HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ đạt hơn 24,2 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 552 triệu đồng.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cho biết, địa bàn tỉnh có rất nhiều tiềm năng để HTX hoạt động với nhiều sản phẩm địa phương như sầu riêng, cà phê, lúa, tiêu... Về cơ bản, HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhiều, có nhiều cơ chế chính sách ưu tiên nhưng hoạt động chưa đúng tầm, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Trong số các HTX đang hoạt động, ước tính HTX kinh doanh có lãi chỉ khoảng 35%, số còn lại là ngang vốn và lỗ.

Cần tiếp tục "hà hơi tiếp sức"

Để giúp HTX vươn tầm, ngành chức năng Gia Lai kiến nghị cần “cởi trói” về vốn, tiếp tục đào tạo nhân lực quản lý cho các HTX trong thời gian tới. Theo lãnh đạo Huyện uỷ Chư Prông (tỉnh Gia Lai), một số HTX trên địa bàn huyện hoạt động kém hiệu quả do hạn chế nguồn vốn, năng lực quản lý, công tác phối hợp còn hạn chế. Vì thế, lãnh đạo Huyện uỷ cho rằng, cần có giải pháp đào tạo căn cơ đội ngũ cán bộ tăng cường cho các HTX nhằm định hướng sản xuất với quy mô lớn, nhất là cán bộ trẻ năng động, sáng tạo.

Xã Ia Tô (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đang mở rộng diện tích sầu riêng để HTX thu mua nhưng sầu riêng rụng quả là thách thức ngăn cản HTX phát triển. Ảnh: Tuấn Anh.

Xã Ia Tô (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đang mở rộng diện tích sầu riêng để HTX thu mua nhưng sầu riêng rụng quả là thách thức ngăn cản HTX phát triển. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngoài ra, cần xây dựng các chuỗi liên kết, liên minh HTX để tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để HXT tiếp cận nhằm phát triển các nông sản thế mạnh như cây ăn quả, cây công nghiệp, lúa.

Ông Nguyễn Mậu Phong, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cho rằng, việc HTX hoạt động chưa đúng kỳ vọng có nhiều nguyên nhân như trình độ quản lý của các HTX còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản... Bên cạnh đó, HTX cũng là thành phần kinh tế nên cũng cần vốn nhưng các HTX lại thiếu vốn, trong khi vốn vay ngân hàng khó tiếp cận vì không có tài sản thế chấp. Đây cũng là rào cản khiến HTX chưa hoạt động hiệu quả.

“Để HTX phát triển hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, các sở ngành cần giúp các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm tăng giá trị, mở rộng thị trường. Ngoài ra, cần có cơ chế giúp các HTX tiếp cận các chính sách, nguồn vốn”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, năm 2022 dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng số lượng HTX năm sau cao hơn năm trước, các HTX hoạt động tương đối ổn định và có lãi. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế như số lượng HTX kinh doanh có hiệu quả và ổn định còn ít, chưa có sức lan tỏa.

HTX Thương mại tổng hợp Trồng và chế biến dược liệu An Thành (huyện Tu Mơ Rông) xây dựng sản phẩm trà OCOP. Ảnh: Tuấn Anh.

HTX Thương mại tổng hợp Trồng và chế biến dược liệu An Thành (huyện Tu Mơ Rông) xây dựng sản phẩm trà OCOP. Ảnh: Tuấn Anh.

Một số HTX hoạt động yếu kém, chưa đúng bản chất HTX; quy mô HTX nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành còn thiếu và yếu; chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp và thiếu bền vững. Nhiều HTX còn thiếu cơ sở vật chất, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả để vay vốn tín dụng.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2023. Trong đó, đơn vị đặt chỉ tiêu đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của các HTX hiện có, phấn đấu đến cuối năm 2023 cả tỉnh có trên 8,8% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Để làm được điều này, Gia Lai đã đề ra các giải pháp triển khai để phát triển HTX như: Chú trọng đào tạo kiến thức quản lý, kỹ năng tiếp cận và nghiên cứu phát triển thị trường cho cán bộ trẻ; tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Bên cạnh đó, sẽ mời gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của người dân thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với HTX nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững.

HTX tại các tỉnh vùng Bắc Tây Nguyên cần dựng thương hiệu sản phẩm. Ảnh: Tuấn Anh.

HTX tại các tỉnh vùng Bắc Tây Nguyên cần dựng thương hiệu sản phẩm. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, đơn vị đã yêu cầu các sở ngành, địa phương, Liên minh HTX tỉnh tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Song song đó, cần rà soát nhu cầu, tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành HTX và tập huấn nâng cao kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, thành viên HTX như: Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến sản phẩml, nghiệp vụ kế toán.

Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát quỹ đất, tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất để HTX xây dựng trụ sở làm việc, nhà xưởng, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bình luận