“Đất lành” cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn
Mới đây, Japfa Việt Nam đã tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ gia cầm ở Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Hai nhà máy này nằm trong dự án chuỗi chăn nuôi khép kín mà Japfa Việt Nam đang đầu tư tại Bình Phước với tổng vốn 230 triệu USD.
Với tổng vốn đầu tư như trên, có thể thấy, dự án mà Japfa Việt Nam đang thực hiện tại Bình Phước là một dự án chăn nuôi quy mô lớn. Theo ông Arif Widjaja, dự án này đã giúp cho Bình Phước trở thành địa phương có hoạt động đầu tư lớn nhất của Japfa Việt Nam và là một bước tiến vô cùng quan trọng để công ty hoàn thiện chuỗi cung ứng Feed-Farm-Food.
Vì sao Japfa Việt Nam lại chọn Bình Phước để triển khai dự án chăn nuôi lớn nhất của công ty? Ông Arif Widjaja chia sẻ “Trước khi quyết định đầu tư tại Bình Phước, chúng tôi đã khảo sát và đánh giá đây là tỉnh hội tụ các yếu tố cho sự phát triển gồm hạ tầng giao thông thuận lợi, có quỹ đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cơ chế, chính sách ổn định, giúp giải quyết thủ tục hành chính luôn nhanh chóng và hiệu quả”.
Lời chia sẻ của ông Arif Widjaja đã khái quát được cơ bản những lợi thế của Bình Phước trong việc thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, trong đó có chế biến nông sản. Trước hết, Bình Phước có quỹ đất nông nghiệp dồi dào để có thể quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi với quy mô lớn để cung cấp nguyên liệu đầu vào ổn định cho công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực như hạt điều, chế biến gỗ và chế biến thực phẩm (từ thịt heo, thịt gà, trái cây).
Để phát huy những lợi thế trên, trong những năm gần đây, Bình Phước đang tập trung đầu tư để hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại - dịch vụ, cảng cạn ICD liên kết với các vùng và quốc gia lân cận. Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính và áp dụng chính phủ điện tử một cách hiệu quả ... Qua đó, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Riêng với ngành chăn nuôi, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có 6 huyện, thị xã được Cục Thú y công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm. Đây là cơ sở quan trọng để CPV Food (thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam) xuất khẩu được thịt gà chế biến sang Nhật Bản và một số thị trường khác. CPV Food cũng là một dự án chăn nuôi quy mô lớn ở Bình Phước với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, đã được khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2020.
Thu hút đầu tư chế biến nông sản, thực phẩm
Bên cạnh việc xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi, tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như hạt điều, gỗ, thực phẩm. Tháng 9/2022, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Sở dĩ Bình Phước chọn hạt điều, gỗ và thực phẩm làm trọng tâm trong phát triển công nghiệp chế biến, vì đây là 3 lĩnh vực thế mạnh hoặc có tiềm năng phát triển lớn.
Chế biến hạt điều đang có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của Bình Phước. Cụ thể, mỗi năm, hạt điều đóng góp 11% vào GRDP và chiếm 30-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Bình Phước đã đạt 264 triệu USD năm 2021.
Ở lĩnh vực thực phẩm, với các dự án lớn của CPV Food, Japfa Việt Nam … và sự tham gia đầu tư của nhiều công ty chăn nuôi hàng đầu khác, Bình Phước đang trên đường trở thành một trong những địa phương có ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi lớn của cả nước.
Bên cạnh vùng chăn nuôi lớn, Bình Phước cũng đang hình thành vùng cây ăn trái với diện tích hơn 12.000 ha như: sầu riêng, bưởi, mít, cam, quýt, nhãn, xoài, chuối, bơ ... cho sản lượng sầu riêng hơn 10.000 tấn, mít hơn 9.500 tấn, bưởi gần 7.200 tấn, cam và quýt gần 11.200 tấn, nhãn hơn 7.700 tấn. Ngành chế biến trái cây đang có cơ hội phát triển nhanh từ sự dịch chuyển vùng trồng vào tỉnh kết hợp với công nghệ chế biến hiện nay sẽ tạo tiền đề cho hoạt động chế biến sâu, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh.
Với những thế mạnh như trên, Bình Phước đặt ra mục tiêu đến 2025, tỷ trọng hạt điều chế biến sâu đạt từ 15% trở lên, giá trị sản xuất hạt điều các loại và dầu vỏ hạt điều đạt trên 43 nghìn tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành thực phẩm chế biến (thịt heo, thịt gà, trái cây) đạt 23 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, Bình Phước hướng đến 2030 với tỷ trọng hạt điều chế biến sâu đạt 25%; giá trị sản xuất nhân hạt điều, các sản phẩm từ hạt điều và dầu vỏ hạt điều đạt 69 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ đạt gần 30 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành chế biến thực phẩm đạt gần 28 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được những mục tiêu này, Bình Phước đang huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn lực từ kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), để đầu tư chế biến sâu và xúc tiến thương mại. Trong đó, chú trọng thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, gỗ và thực phẩm, Bình Phước đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như tạo điều kiện sẵn có về quỹ đất sạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng sản xuất để hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành, sẵn sàng thu hút đầu tư; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, logistics, cơ sở hạ tầng giao thông liên tỉnh và liên vùng.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước chú trọng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi chính phủ điện tử hiệu quả; hoàn thiện chính sách, chương trình ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa …