Xứ Thanh - Nơi hội tụ sản phẩm tinh hoa (Bài 1): “Quả ngọt” từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bình luận · 74 Lượt xem

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) là chủ trương lớn, đã được xác định tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm

Nhiều “quả ngọt”

Hàng năm, sản xuất NNUDCNC ở các địa phương trong tỉnh đã góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn, diện tích liên kết sản xuất công nghệ cao ngày càng tăng. Giá trị người dân thu được trên đơn vị diện tích bình quân đạt 120 triệu đồng/ha, nhiều diện tích NNUDCNC đạt từ 300 đến hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho biết: "Trong lĩnh vực trồng trọt, các doanh nghiệp, HTX và người dân đã đầu tư phát triển được hơn 200ha diện tích sản xuất trong nhà màng, nhà lưới. Trong đó, huyện Thọ Xuân có diện tích nhiều nhất tỉnh với 55,5ha, huyện Nga Sơn 35ha... Phần lớn diện tích nhà màng được người dân sản xuất rau, dưa vàng, dưa lưới, hoa công nghệ cao. Đa phần các mô hình được áp dụng quy trình sản xuất thông minh, có hệ thống điều khiển tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đóng mở mái che bán tự động... Nhiều mô hình cho doanh thu 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận thu về 300 - 700 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như các mô hình sản xuất trong nhà lưới luân canh 3 vụ dưa vàng và 1 vụ hoa ứng dụng công nghệ cao đạt tổng giá trị thu nhập từ 3 - 3,5 tỷ đồng/1ha/năm, lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm tại các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa...

Thời gian qua, người dân ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn... đã tích cực chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh cải tiến sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong nhà lưới có mái che, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 930ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Hàng năm, sản lượng tôm thẻ chân trắng thâm canh toàn tỉnh đạt 11.300 tấn, giá trị sản xuất đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi trong nhà màng, nhà lưới cho năng suất 20 - 35 tấn/ha/vụ, nuôi 3 - 4 vụ/năm, cho lợi nhuận 300 - 600 triệu đồng/ha/vụ. Theo đánh giá của người dân, nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao hơn khoảng 16 lần so với nuôi tôm truyền thống. Bên cạnh đó, nhiều trang trại nuôi tôm tập trung trên địa bàn tỉnh đầu tư theo chuỗi khép kín, ứng dụng máy móc hiện đại, kiểm soát dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường cho hiệu quả kinh tế gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống.

Hiện toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung gần 19.500ha đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt; 680ha phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao. Việc sản xuất NNUDCNC trên địa bàn tỉnh bước đầu gặt hái được những “quả ngọt”, tạo ra giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp, đóng góp một tỷ lệ quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp 6 tháng năm 2024 đạt 3,4%.

Đẩy mạnh, tạo bước đột phá

Theo Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh về phát triển NNUDCNC, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 diện tích quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao là 4.100ha, trong đó diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ số, thông minh đạt 1.000ha trở lên, giá trị đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Diện tích quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao đạt 49.700ha, giá trị từ 400 triệu đồng/ha/năm trở lên. Diện tích để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao 210ha, giá trị sản xuất đạt từ 3 tỷ đồng/ha/năm trở lên. Diện tích để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao đạt 490ha, giá trị sản xuất đạt từ 2 tỷ đồng/ha/năm trở lên...

Xứ Thanh - Nơi hội tụ sản phẩm tinh hoa (Bài 1): “Quả ngọt” từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ caoMô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) cho hiệu quả kinh tế cao.

Để đạt được kết quả đó, hiện ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực công tác thông tin, tuyên truyền về các mô hình cụ thể, điển hình tiên tiến trong phát triển NNUDCNC, từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp, HTX và người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ về giống, bảo vệ thực vật, kiểm tra chất lượng giống, phân bón, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt; bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh. Đẩy mạnh sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hữu cơ trong nước và nước ngoài... nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất được ngành nông nghiệp khuyến khích người dân đầu tư ứng dụng trong xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi, đảm bảo điều kiện và tạo cơ hội để nông sản của tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, NNUDCNC là yếu tố đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; là minh chứng điển hình cho việc ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; thay đổi hình thức sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Hàng năm, sở phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, để thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành đang còn hiệu lực trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để khuyến khích, tạo động lực cho phát triển sản xuất NNUDCNC trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Bình luận