EU đề nghị tham khảo dữ liệu tuân thủ an toàn thực phẩm của Việt Nam

Bình luận · 762 Lượt xem

Coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong hợp tác thương mại, EU cam kết phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm.


Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác Việt Nam và phía EU tại Thụy Sĩ

Chiều 23/6 (giờ Geneva, Thụy Sĩ), Đoàn công tác Việt Nam gồm Đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Đại diện Bộ Công Thương do Văn phòng SPS Việt Nam dẫn đầu đã họp song phương với phía EU. Đây là sự kiện bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO, diễn ra từ 22-24/6.
Tại buổi làm việc, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác Việt Nam kiến nghị EU loại thanh long, rau mùi, húng quế (ngọt), bạc hà, ngò tây và đậu bắp ra khỏi danh sách các sản phẩm tạm thời thiết lập tần suất kiểm tra danh tính và thực tế.
Đoàn Việt Nam cũng đề nghị EU xem xét và cung cấp số liệu về mức độ không tuân thủ của mì ăn liền, liên quan đến tiêu chuẩn dư lượng Ethylene oxide (từ tháng 1/2022 đến nay).
Trên cơ sở đánh giá tần suất tuân thủ các yêu cầu, quy định về dư lượng Ethylene oxide trong quy trình kiểm soát của doanh nghiệp, đoàn công tác đề nghị phía EU xem xét, gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát như đang quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ngoài mì ăn liền, tần suất kiểm tra thanh long và các loại rau gia vị cũng được đoàn Việt Nam nêu ra trong buổi làm việc. Đại diện đoàn công tác, TS. Ngô Xuân Nam cho biết, trong năm 2021 không có lô hàng thanh long không phù hợp quy định an toàn thực phẩm của EU. Trong năm 2022, có 2 lô hàng không phù hợp quy định, gồm 01 lô hàng “bị giảm chất lượng cảm quan” và 1 lô hàng tồn dư Dithiocacbamat. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đã thực hiện tốt việc kiểm soát MRLs với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Thanh long là một nông sản đặc sắc của Việt Nam vì được trồng ở những vùng đất và điều kiện khí hậu tốt nên chất lượng vượt trội. Việt Nam rất coi trọng chất lượng và an toàn thực phẩm xuất khẩu nói chung và thanh long nói riêng. Chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan về vấn đề này”, ông Nam nhấn mạnh.
Lắng nghe những ý kiến từ phía Việt Nam, TS. Lorenzo Terzi, Trưởng đoàn đàm phán EU trong Ủy ban SPS/WTO chia sẻ, bộ phận kỹ thuật của Việt Nam và EU theo Hiệp định EVFTA cần phối hợp rà soát số liệu thống kê về các cảnh báo của EU đối với nông sản Việt Nam làm căn cứ để giảm tần xuất hoặc huỷ kiểm tra sản phẩm nông sản của Việt Nam.
“Phía EU đánh giá cao buổi làm việc này và nếu phía Việt Nam có dữ liệu thống kê về các hoạt động, cũng như tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm và An toàn dịch bệnh động, thực vật thì có thể gửi cho EU để làm cơ sở tham khảo”, ông Terzi bày tỏ.
Hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, Việt Nam được EU xác định là đối tác ưu tiên. Trên cơ sở đó, EU thống nhất đầu mối liên lạc việc thực thi các cam kết SPS, theo đúng tinh thần Hiệp định, là Văn phòng SPS Việt Nam và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Đây là cầu nối để thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai bên.
Tại buổi làm việc, EU cũng đề nghị Việt Nam xem xét hồ sơ mở cửa thị trường cho một số mặt hàng của khối này vào Việt Nam, cũng như chi tiết hóa các quy định về phụ gia thực phẩm.
Định kỳ, 6 tháng một lần, EU sẽ xem xét danh sách các thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đợt rà soát kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 12/2022.
Trong ngày 23/6, đoàn Việt Nam còn họp song phương với Ả Rập Xê-út. Nội dung buổi làm việc là về cách thức tổ chức và kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm cá tra của Việt Nam.
Ngoài hai cuộc gặp với EU và Ả Rập Xê-út, bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO, đoàn Việt Nam còn làm việc với Brazin về phụ gia thực phẩm thủy sản, chế độ xử lý nhiệt sản phẩm tôm đã chế biến; Pakistan về quy định Aflatoxin trong chè; Vương quốc Anh về làm rõ mẫu chứng nhận kiểm dịch thực vật mới.
Trước đó, trong ngày 21/6, Việt Nam đã họp song phương với Trung Quốc về Lệnh 248, 249./.

 

(NNVN)

Bình luận