Thành phố Cần Thơ với vị trí trung tâm, được xác định là thành phố động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL. Thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn nhằm tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ (KH-CN) vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, từ đó kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư.
Tại tọa đàm “Công nghiệp hóa – hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại TP Cần Thơ” diễn ra tại TP Cần Thơ mới đây, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN là một trong những khâu đột phá chiến lược.
Hiện nay, hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH-CN trên địa bàn Thành phố tập trung vào các lĩnh vực như: Công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ cơ khí chế tạo máy, công nghệ tự động hóa... Nổi bật là những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, các quy trình thanh lọc giống lúa kháng bệnh phục vụ công tác lai tạo giống. Bên cạnh đó, chương trình chọn tạo cây đầu dòng sử dụng cho công tác nhân giống; chọn các chủng nấm phát triển thành các chế phẩm sinh học phòng và trị bệnh lúa, rau màu, cây ăn trái; phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực.
Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH-CN TP Cần Thơ cho biết: Hiện tại, ngành KH-CN Cần Thơ đã phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL để nghiên cứu, lai tạo một số giống lúa mới, chọn ra những giống thích hợp với điều kiện phát triển của Thành phố gắn với xây dựng thương hiệu gạo Cần Thơ.
GS.TS Nguyễn Kế Tuấn, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, KH-CN đã góp phần chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, so với các quốc gia trên thế giới, sự phát triển của KH-CN vẫn chưa thật sự trở thành động lực cho nền kinh tế trong nước.
Ông Tuấn cho biết, hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trang bị công nghệ tiên tiến chỉ đạt khoảng 1%, còn lại chỉ ở mức trung bình và lạc hậu. Điều này đã dẫn đến năng suất lao động thấp. Theo ông Tuấn, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với một số nước trong khu vực. Bên cạnh đó, trong tổng số các doanh nghiệp của Việt Nam, hiện có tới 98% là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Đứng trước những thách thức đó, Sở KH-CN đã tham mưu UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch toàn diện, trong đó hướng đến đến năm 2030 sẽ triển khai một loạt các đề tài, dự án mang tính cấp vùng và địa phương ứng dụng KH-CN. Đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn chỉnh các sản phẩm, ý tưởng.
Bên cạnh đó, ngành KH-CN Thành phố cũng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến nông sản, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng bản đồ kỹ thuật số quản lý nông lâm thủy sản. Hiện TP Cần Thơ đang triển khai thủ tục lập quy hoạch và xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao Cần Thơ và 3 khu nông nghiệp công nghệ cao.
GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, để xây dựng TP Cần Thơ phát triển, trở thành thành phố động lực của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ thiếu sự kết nối về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, khoảng cách giữa những chủ trương đường lối của Đảng với thực tiễn triển khai. Vì thế, TP Cần Thơ cần đặt sự phát triển đó vào vị thế trung tâm, động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL để lan tỏa, tăng cường liên kết vùng và xác định KH-CN vào đúng vị trí là nền tảng.