Lúa chất lượng cao chiếm thế áp đảo
Đã có giai đoạn nông dân Thủ đô cấy “lúa rượu” không chỉ để chế biến bún bánh, nấu rượu mà còn để ăn vì khẩu vị thích cơm cứng, chan canh dù nó không mấy đậm đà, thơm ngon. Nhưng theo thời gian, giờ thói quen đó đã thay đổi hoàn toàn.
Diện tích cấy lúa của Hà Nội đang vào khoảng 150.000ha/năm, sản lượng trên 900.000 tấn/năm, trong đó cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới trên 60%. Góp một phần vào xu hướng ấy là Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội - đơn vị được giao thực hiện kế hoạch phát triển lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thành phố.
Vụ xuân 2023 được đánh giá là hiện tượng thời tiết hiếm gặp trong nhiều năm khi trời gần như không có mưa rào, âm u kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, lem lép hạt, rầy nâu bùng phát. Trong bối cảnh bất lợi đó, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo cán bộ thường xuyên bám sát mô hình, điều tra theo dõi tình hình diễn biến sâu bệnh hại trên đồng ruộng, căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp và kết quả điều tra sâu bệnh hại trên đồng ruộng để ban hành 8 hướng dẫn kỹ thuật và thông báo tình hình sâu bệnh hại cùng các biện pháp phòng trừ.
Khi điều tra sâu bệnh đến ngưỡng, Trung tâm đã tổ chức phun thuốc bằng máy bay không người lái cho 520ha lúa. Kết quả đã tiết kiệm được chi phí nhân công, an toàn cho người lao động, thời gian phun thuốc tập trung và đúng thời điểm nên đạt hiệu quả phòng trừ cao. Nông dân các địa phương rất phấn khởi vì vừa được hưởng 50% chi phí thuốc BVTV, vừa không bị giảm năng suất.
Mùa gặt về, những con đường nội đồng thuộc các xứ Đồng Ngoài, Đồng Riềng, Đồng Sãi, Đồng To, Cây Vông, Rộc Môi, Uôm, Dúng, Đầm Xanh, Lọng của xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) ngập trong sắc vàng lúa mới. Nông dân vừa chuyện trò rôm rả vừa thoăn thoắt tay cào lúa. Tiếng cào sàn sạt trên đường hòa cùng tiếng máy gặt rào rào dưới ruộng như một bản nhạc đồng quê thời mở cửa.
Ông Nguyễn Viết Huynh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Liên Hiệp cho biết, vụ này có 498 hộ tham gia chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao với giống TBR 225 trên tổng diện tích 50ha. Các hộ khi tham gia được hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV. Nhiều khâu đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ như làm đất, mạ khay - cấy máy, phun thuốc bằng máy bay, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
Xã phát triển mạnh làng nghề nên bà con rất bận rộn, vì thế HTX đảm nhiệm 6 dịch vụ nông nghiệp như cung ứng giống, vật tư, làm đất, mạ khay - máy cấy… Ngoài phục vụ sản xuất cho bà con trên địa bàn, HTX còn mở rộng liên kết với các HTX khác. Việc điều tiết nước trên đồng ruộng được áp dụng theo kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI. Nhờ đó, năng suất lúa vụ này ước tính đạt 68 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt 34 triệu đồng/ha.
Thiết lập chuỗi khép kín
Liên Hiệp chỉ là một trong 12 mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội tại 11 xã thuộc 5 huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh trong vụ xuân 2023 với tổng diện tích 610ha.
Dù có nhiều giống lúa Japonica (lúa Nhật) trồng ở Hà Nội nhưng Trung tâm chỉ chọn giống J02 của Công ty Cổ phần Giống - Vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam để đưa vào cơ cấu vì cả hai yếu tố năng suất và chất lượng. Cụ thể vụ này có 260ha lúa J02, 190ha TBR 225, 150ha lúa Đài thơm 8, 10ha lúa HD11. Về năng suất, lúa áp dụng VietGAP ước đạt 6,5 – 7 tấn/ha, áp dụng theo hướng hữu cơ ước đạt 5,5 – 5,8 tấn/ha, tổng sản lượng thóc đạt 4.177 tấn.
Đáng quan tâm nhất là hiệu quả kinh tế thì giống lúa J02 chiếm vị trí đỉnh bảng, sau khi đã trừ tất cả các chi phí và nhân công đạt bình quân khoảng 29 - 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với “lúa rượu” Khang Dân 15 triệu đồng/ha/vụ. Ở vị trí thứ nhì, ba, tư lần lượt là TBR 225, Đài thơm 8, HD11 đạt bình quân khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với “lúa rượu” Khang Dân từ 11 - 12 triệu đồng/ha/vụ.
Không chỉ thế, chương trình còn có những hiệu quả về môi trường như nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất, giảm sử dụng phân bón hóa học, hoá chất (các loại thuốc sâu, thuốc diệt cỏ độc hại cao) trong sản xuất. Làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái, sản xuất mang tính bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường.
Xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất bền vững nên ngay từ đầu vụ, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã kết nối các doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm và triển khai chỉ đạo các HTX xây dựng phương án tiêu thụ lúa cho nông dân.
Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp vào làm việc với các HTX để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân gồm: Công ty Cổ phần Giống - Vật tư Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam, Công ty TNHH lương thực Long Vũ, Công ty TNHH lương thực, thực phẩm Khang Long, Công ty Đông Sơn, Công ty Mỹ Loan.
Bà Hoàng Thị Hoà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết, do giá trị kinh doanh của chuỗi sản xuất lúa gạo rất thấp nên nhiều HTX còn ngại làm, phần lớn thích bán thóc tươi ngay trên ruộng cho nhàn. Hiện thành phố có HTX Tam Hưng của huyện Thanh Oai và HTX Đoàn Kết của huyện Ứng Hòa thực hiện sản xuất lúa theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ gạo.
Bên cạnh đó, có những HTX làm chuỗi theo từng phần từ dịch vụ đầu vào vật tư, giống đến tổ chức thu mua lúa tươi cho nông dân như HTX Bình Minh, HTX Đỗ Động của huyện Thanh Oai, HTX Tân Hưng của huyện Sóc Sơn.
“Tuy nhiều HTX đã xây dựng được nhãn hiệu gạo nhưng còn ngại việc chế biến, đóng gói, tiêu thụ bằng bao nhỏ. Thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT Hà Nội, Trung tâm sẽ vận động các HTX xây dựng nhãn hiệu gạo, chế biến, đóng gói, tiêu thụ bằng bao nhỏ để giới thiệu cho người tiêu dùng những sản phẩm vừa chất lượng vừa an toàn.
Điển hình như HTX nông nghiệp Liên Hiệp đang thực hiện các dịch vụ làm đất, mạ khay - máy cấy, phun thuốc BVTV, thu hoạch và định hướng sẽ phát triển thêm khu sấy, chế biến, đóng gói sản phẩm gạo với tem mác đầy đủ để giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao chất lượng cũng như giá trị.
Trung tâm sẽ kết hợp với Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cũng như UBND xã, HTX Liên Hiệp để cùng thực hiện những nội dung đó. Xu thế phát triển lúa gạo giai đoạn năm 2021 tới năm 2025 là phải đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, quảng bá, cung cấp dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng. Có làm được như thế mới đảm bảo hiệu quả và bền vững”, bà Hoàng Thị Hòa khẳng định.
Quá trình thực hiện kế hoạch phát triển lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế như: Công tác phối hợp chỉ đạo kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của một số HTX chưa đảm bảo kịp thời theo thông báo. Hoạt động của ban chỉ đạo mô hình tại một số địa phương chưa hiệu quả, chưa có sự vào cuộc của Đảng ủy, UBND xã. Nhiều HTX chưa làm tốt công tác truyên truyền trên loa truyền thanh của xã về cơ chế, chính sách hỗ trợ, các hướng dẫn, thông báo chỉ đạo kỹ thuật.
Công tác kết nối các doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại một số địa phương còn chưa quan tâm nhiều. Sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo. Việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán của một số HTX còn lúng túng, chưa kịp thời, nhất là ở năm đầu tiên tham gia. Những tồn tại này cần phải được Thành phố nghiên cứu, khắc phục trong thời gian tới để đảm bảo mục tiêu đạt trên 80% lúa chất lượng vào năm 2025.