Sau thời gian dài xuất khẩu gạo "vô danh", các doanh nghiệp trong nước từng bước phát triển mảng gạo thương hiệu
Gạo thương hiệu Việt Nam đã được đóng túi nhỏ để bán trực tiếp trên những kệ hàng tại siêu thị, cửa hàng ở các thị trường Nhật Bản, châu Âu (EU), Mỹ, Canada… Đây là quả ngọt sau nỗ lực nhiều năm của các doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Khẳng định thương hiệu gạo "chính chủ"
Những ngày đầu tháng 7-2022, kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản đón nhận tin vui khi gạo đặc sản ST25 đã được bán ở nước này bởi nhà xuất khẩu là Tập đoàn Tân Long (thương hiệu gạo A An, tương đồng với gạo đóng túi đang bán trong nước).
Chị Nguyễn Châu Hồng, Việt kiều sống tại Nhật hơn 10 năm, cho biết gia đình chị chủ yếu ăn gạo hạt tròn của Nhật, gạo hạt dài thì mua của Thái Lan, nay mới mua được gạo ST25 đúng khẩu vị. "Tôi mua 1 túi gạo 5 kg giá 2.000 yen, tính ra tiền Việt gần 70.000 đồng/kg, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 10% nhưng hài lòng vì đúng khẩu vị được ăn ở quê nhà" - chị Hồng nhận xét.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, cho biết đã làm việc với đối tác Nhật từ 1 năm trước khi hàng được lên kệ của siêu thị nước này. Tại Nhật Bản có khoảng 450.000 người Việt, thêm cộng đồng người Hoa, Philippines là hơn 1 triệu người có thị hiếu về gạo thơm hạt dài như ST25. Người Nhật vẫn thích ăn gạo hạt tròn của họ nên gạo hạt dài chỉ để bổ sung.
"Trước mắt, ở thị trường này, doanh nghiệp chưa đặt mục tiêu lợi nhuận vì tất cả chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi không vì mục tiêu tăng sản lượng mà quan trọng nhất là kiểm soát chất lượng, giữ chữ tín. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng lượng gạo đóng gói túi 1 kg bên cạnh túi 2 kg, 5 kg để phù hợp thói quen tiêu dùng của thị trường này. Sau Nhật Bản, chúng tôi sẽ phát triển gạo thương hiệu tại Hàn Quốc và Mỹ do có quy trình tương đối giống nhau" - ông Trung kỳ vọng.
Tập đoàn Lộc Trời mới đây cũng thông tin gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn là "Cơm Việt Nam Rice" đang trên đường vận chuyển đến châu Âu và sẽ được bày bán trong Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất EU - trong tháng 7 này. Lô gạo này chủ yếu là gạo thơm, trong đó có Lộc Trời 28 - được chứng nhận đoạt giải nhất tại Hội nghị Thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 và giải nhất cuộc thi "Gạo ngon thương hiệu Việt" tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 5.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, lô gạo được đóng trong 3 loại bao bì: 1 kg, 5 kg, 20 kg có thiết kế và thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" đã được đăng ký tại các thị trường mục tiêu. Hiện sản phẩm này vẫn chưa có giá bán lẻ chính thức mà đang thăm dò mức độ đáp ứng của từng thị trường.Là người luôn trăn trở về thương hiệu gạo Việt, PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, rất mừng khi nhiều doanh nghiệp đưa gạo Việt vào phân khúc cao cấp.
Theo ông Chín, ở phân khúc gạo trắng hạt dài, khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam rất tốt. Gần đây, trong nhiều thời điểm, giá gạo phân khúc này của Việt Nam còn cao hơn Thái Lan. Chuyện thương hiệu là đối với nhóm gạo thơm hạt dài cao cấp, Thái Lan có giống lúa Hom Mali nổi tiếng bán với giá khoảng 1.000 USD/tấn, gần đây tuy giảm nhưng vẫn ở mức 800 - 900 USD/tấn. Việt Nam gần đây có 2 giống đoạt giải cao ở các cuộc thi quốc tế là ST25 và Lộc Trời 28, là cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, có thể vào nhóm gạo "1.000 USD/tấn" hoặc hơn gạo đặc sản Thái Lan.
"Chúng ta có những giống gạo thơm nổi tiếng như: Nàng Thơm chợ Đào, Tám Xoan, Séng Cù… nhưng sản lượng rất nhỏ, khách quốc tế hỏi mua không có để bán nên không thể làm thương hiệu được. Hiện tại, ngoài 2 giống gạo thơm đã có danh hiệu quốc tế, Việt Nam vẫn còn nhiều giống gạo thơm có thể làm thương hiệu ở phân khúc giá thấp hơn. Giá thấp hơn thì thị trường cũng rộng hơn, quan trọng là có lời tốt" - PGS-TS Dương Văn Chín gợi ý.
Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Công ty CP Pacific Foods, cho rằng hằng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt Nam có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng châu Á vẫn là thị trường chính. Gần đây, các doanh nghiệp bắt đầu xây dựng thương hiệu ở quốc tế, một phần nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết đã giúp gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường dần mở rộng sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản.
"Tháng 12-2021, Pacific Foods xuất khẩu 20 tấn gạo ST25 sang Canada. Trong tháng 3 và 4-2022, Pacific Foods tiếp tục xuất khẩu gạo thương hiệu đóng túi nhỏ bán trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ. Mới đây, doanh nghiệp cũng đã đưa gạo ST25 sang Anh để tổ chức sự kiện quảng bá và đang tiến tới đàm phán để xuất khẩu các lô hàng lớn hơn" - ông Linh tiết lộ.
Theo ông Linh, để bảo đảm xuất khẩu đạt hiệu quả cao, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice).
"Cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Nhà nước nên bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Thiết thực hơn, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận và có sẵn khách hàng nước ngoài mà không phụ thuộc vào công ty có giấy phép xuất khẩu gạo. Điều này sẽ phần nào hạn chế được việc giá gạo bị đội lên" - ông Linh đề xuất.