Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Bình luận · 153 Lượt xem

Hướng tới 3 tiêu chí nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương quyết tâm ứng dụng chuyển đổi số cho ngành.


Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT chủ trì hội thảo (Ảnh: NNVN)

 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tiềm năng chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam rất lớn. Cơ sở hạ tầng công nghệ đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh - quốc phòng. Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao có kết nối 3G và 4G, trong đó mạng 4G đã phủ sóng khoảng 95% địa bàn các xã trên cả nước.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên cả nước thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho việc kết nối liên thông giữa các bộ, ban ngành và các tỉnh, thành phố. Mức độ phổ cập đối với các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông chủ yếu tập trung ở thành thị, thậm chí đạt tới mức bão hòa ở nhiều nơi. Trong khi, các dịch vụ này ở vùng nông thôn, nơi chiếm hơn 70% dân số, còn thấp và nghèo nàn

Dựa trên những vấn đề này, trong Hội thảo tham vấn dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025” ngày 15/7, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, đây là “dư địa để CĐS phát triển”.

Đưa CĐS vào nông nghiệp nói chung, và xây dựng NTM nói riêng, là chủ trương của Chính phủ, Bộ NN-PTNT suốt 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. Dù vậy, nhiều khó khăn xuất hiện khi triển khai, như thu hẹp khoảng cách về thu nhập và hưởng thụ dịch vụ giữa người dân nông thôn và đô thị, kết nối tiêu thụ nông sản, hay đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Cần đẩy mạnh CĐS trong xây dựng NTM để phát huy hết các tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh chuyển dịch số là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng NTM ở Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Là một chủ trương lớn, nhưng việc CĐS và ứng dụng CNTT trong nông nghiệp và xây dựng NTM còn hạn chế, manh mún và mang nặng tính tự phát của các cơ quan, đơn vị hoặc các địa phương, doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở nông thôn còn thấp (dưới 10%). Yếu tố quan trọng nhất, là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư, đất đai còn thiếu.

Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp nông thôn, (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) kiến nghị, Bộ NN-PTNT xem xét đưa nội dung về công nghệ số trong NTM thành một nội dung trọng tâm, để tập trung chỉ đạo thực hiện trong đoạn 2021-2025.

“Hạ tầng CĐS sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang, phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G”, ông Phong chia sẻ.

Vào ngày 20/5/2021, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã phát hành Công văn số 430/VPĐP-KHTC&GS gửi các Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở ý kiến tham gia của 48/63 địa phương, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã làm việc với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) để xây dựng Dự thảo Đề án.

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng CNTT trong xây dựng NTM, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chương trình quốc gia về NTM, cải thiện phương thức hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đề án xây dựng 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Bao gồm: xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và một Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thông minh giai đoạn 2026-2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, phát triển nền tảng cho CĐS. Quá trình này chủ yếu là nâng cao nhận thức, năng lực CĐS cho cán bộ toàn ngành nông nghiệp, cán bộ chương trình NTM và cộng đồng dân cư. Thứ hai, hoàn thiện chính sách và thể chế. Thứ ba, phát triển hạ tầng số và dữ liệu số.

Đây là biện pháp được đặc biệt lưu ý, khi liên quan tới chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ, và liên thông. Trên cơ sở này, nền tảng dữ liệu lớn (Big data) được hình thành để tiến tới xây dựng bản đồ số nông nghiệp.

Với tổng nguồn vốn dự kiến để triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025 là 3.000 tỷ đồng, có 6 dự án được ưu tiên thực hiện. Đó là: (1) Thiết kế xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu số của Chương trình NTM. (2) Ứng dụng trực tuyến phục vụ công tác lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM các cấp. (3) Ứng dụng CĐS hỗ trợ chương trình OCOP. (4) Ứng dụng CĐS phát triển du lịch cộng đồng. (5) Thí điểm mô hình Làng/xã thông minh tại các địa phương. (6) Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về CĐS trong chương trình NTM.

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương nhấn mạnh, CĐS là xu hướng tất yếu của xã hội. "CĐS trong xây dựng NTM là một đề án mới. Trong quá trình thực hiện, chúng ta khó tránh khỏi bỡ ngỡ, nhưng không vì thế mà ngừng đưa CĐS vào trong cuộc sống. Cách chúng ta tiếp cận CĐS sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân, cũng như tạo ra một bộ mặt NTM trong tương lai"./.

(NNVN)

Bình luận