Thủ tướng chủ trì hội nghị triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư

Bình luận · 287 Lượt xem

Chiều ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai phát triển Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, t??


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. (Ảnh: nhandan.vn)

 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, ngày 6/1/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký và ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030. Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các chỉ tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng năm và từng giai đoạn. Kèm với đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành của Đề án.

Theo đó, mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích như sau: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và Phục vụ chỉ đao, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Đặc biệt về nhóm tiện ích phục vụ công dân số, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hiện nay đã có 23 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh thành phố đã có kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, công bố 6.673 bộ thủ tục hành chính, 1921 thủ tục hành chính liên quan đến công dân.

Trong số các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc, Bộ Công an là một trong những bộ ngành có nhiều nỗ lực và quyết liệt trong chuyển đổi số và đạt kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất quan trọng, gắn với từng người dân, từng gia đình - tế bào của xã hội; là nền tảng để hình thành công dân số, xã hội số, phù hợp với xu thế chung của nhân loại.

Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin của hơn 98 triệu dân cư, hệ thống dữ liệu này được vận hành thông suốt, hàng ngày bởi cán bộ, chiến sĩ công an của hơn 11.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước có gắn chíp điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân...

Bộ Công an cũng đã triển khai kết nối thử nghiệm thành công với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của một số bộ ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, trong đợt cao điểm chống dịch vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các ứng dụng để kiểm soát đi lại, phòng chống dịch bệnh mang lại hiệu quả. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng góp phần tích cực trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho hơn 43 triệu người trong thời gian gấp rút nhưng kéo dài, việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng thần tốc, lớn nhất trong lịch sử cho gần 100% dân số để Việt Nam "đi sau về trước" trong chiến lược vaccine… 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại trụ sở Bộ NN-PTNT (Ảnh: MARD)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng Đề án mang nhiều nội dung mang tính chất đột phá, thể hiện tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích chung của đất nước và theo đúng tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc triển khai Đề án kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; không để hiện tượng cát cứ, chậm trễ trong việc chuyển đổi số. Tổ công tác triển khai Đề án cần phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ.

Việc triển khai Đề án là phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Những mục tiêu Đề án xác định trong năm 2022 cho thấy một khối lượng công việc rất nhiều, quy mô lớn (là một trong những dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay), tiến hành trên phạm vi rộng (triển khai trên toàn quốc, toàn dân) và với sự phối hợp của nhiều bên liên quan (giữa các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông lớn và người dân, cộng đồng doanh nghiệp); trong đó Bộ Công an sẽ đóng vai trò nòng cốt thực hiện Đề án và chúng ta phấn đấu về đích sớm ngay trong năm 2023.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đất nước hiện nay, đây là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều, thậm chí không ít "lực cản". Một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn đang từng bước hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực công nghệ của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ; vẫn còn đâu đó tâm lý "quyền anh, quyền tôi", tư tưởng cục bộ "cát cứ thông tin"; việc chuyển đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của các cấp, các ngành và của xã hội khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều; nguy cơ mất an ninh an toàn hệ thống và dữ liệu luôn thường trực...  

V.A (mard.gov.vn)

Bình luận