Triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi

Bình luận · 237 Lượt xem

Ngày 17/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức buổi Lễ Triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi.


Các đại biểu bấm khởi động Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi

 

Với mục tiêu triển triển khai chuyển đổi số nông nghiệp nhanh, đồng bộ và hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Đề án chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 với 03 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số. Trong đó, cơ quan nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, quản lý và thúc đẩy, doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong chủ lực, mỗi hợp tác xã và mỗi hộ nông dân là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.

Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2022 đã lựa chọn một số lĩnh vực để ưu tiên thực hiện, trong đó 02 lĩnh vực (chăn nuôi và trồng trọt) được coi là lĩnh vực tiên phong về chuyển đổi số, việc xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi là bước đi đầu tiên và là yêu cầu cấp thiết để phục vụ công tác quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi.

Để triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu chăn nuôi (CSDL), thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên CSDL về thức ăn chăn nuôi và CSDL về cơ sở chăn nuôi. Đến nay, phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước; đã cấp 600 tài khoản để cập nhật cơ sở dữ liệu đến các nhà máy, cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn…

Từ việc chuyển đổi số ngành chăn nuôi sẽ góp phần nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chăn nuôi một cách toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường. Đồng thời, giúp các trang trại, hộ chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp; các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Theo lộ trình xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu đã đặt ra, ưu tiên triển khai sớm là các cơ sở dữ liệu quản lý các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản, bảo vệ thực vật, kinh tế hợp tác… Năm 2022, Bộ đã chọn 2 lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh chuyển đổi số.

Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi đã được Bộ phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng và triển khai thử nghiệm tại một số địa phương sẽ là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh trạnh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Đồng thời, là nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin chủ động hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp chăn nuôi và người chăn nuôi. Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để cập nhật thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với khách hàng. Với người chăn nuôi sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường đầu ra, thông tin về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giá bán, dịch vụ cung ứng vật tư, thông tin về dịch bệnh để đưa ra quyết định phù hợp.

Để có được hệ thống cơ sở dữ liệu thông suốt từ hộ chăn nuôi đến cơ quan quản lý và các sàn thương mại điện tử, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự phối hợp của các địa phương đã phối hợp, thử nghiệm, các đơn vị chủ trì thuộc Bộ, và các sàn thương mại điện tử Vỏ sò, Postmart dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thứ trưởng đề nghị: Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn nữa để triển khai thành công cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi nói riêng và cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng Chính phủ số ngành nông nghiệp, Phát triển kinh tế số nông nghiệp và Xây dựng nông thôn số, nông dân số.

HNN (mard.gov.vn)

Bình luận