Sổ tay Chuyển đổi số ra mắt là công cụ hữu hiệu hỗ trợ các DNNVV trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm

Bình luận · 329 Lượt xem

Sáng 28/6, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức lễ ra m?


Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp phát biểu tại lễ ra mắt Sổ tay Chuyển đổi số

 

Sổ tay Chuyển đổi số cho (DNNVV) được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME).

Sổ tay cung cấp thông tin tổng quan, nâng cao nhận thức và đưa ra các chỉ dẫn cho DNNVV triển khai áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm. Từ đó đưa ra lộ trình phù hợp áp dụng công nghệ theo nhiều cấp độ khác nhau, gắn liền với mục tiêu sản xuất, kinh doanh và nguồn lực hiện có của doanh nghiệp. Trong cuốn sổ tay này, các chuyên gia của Chương trình phân tích một số khó khăn và đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của DNNVV hoạt động trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tế và lộ trình chuyển đổi số phù hợp cho DNNVV trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm tại Việt Nam.

Toàn cảnh lễ ra mắt Sổ tay Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm

Các giải pháp chuyển đổi số được áp dụng trong chuỗi giá trị ngành chế biến và phân phối thực phẩm được đưa ra tập trung giải quyết các vấn đề về thu thập, phân tích dữ liệu; truy xuất nguồn gốc; quản lý vận tải; quản lý kho và hàng tồn kho; quản lý chất lượng sản phẩm và quản lý bán hàng đa kênh. Trong đó, các chuyên gia đề xuất các doanh nghiệp nên ưu tiên triển khai sớm giải pháp bán hàng đa kênh và truy xuất nguồn gốc để tăng doanh thu và tăng liên kết trong chuỗi.

Theo ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, trong bối cảnh kỷ nguyên số, cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, vấn đề đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được coi là cách thức hữu hiệu để tạo ra các xung lực mới, giá trị mới cho phát triển kinh tế quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Đại dịch Covid đã làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của cá nhân và toàn xã hội, đòi hỏi cần khẩu trương thay đổi và thích ứng. Quyết định số 12 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số về nhận thức, tầm nhìn, chiến lược, hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quản trị, hỗ trợ số hóa toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ và mô hình mới cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc

Trong giai đoạn 2021-2022, Chương trình đã hỗ trợ nâng cao nhận thức và đảm bảo kiến thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số đúng hướng. Nhiều nội dung trong cuốn sổ tay đã được các doanh nghiệp áp dụng làm kim chỉ nam, từ đó tiếp tục phát triển nâng cao chất lượng hệ sinh thái, nâng cao hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Các công cụ, tài liệu và hoạt động của chương trình trong hơn 2 năm qua đã góp phần vào sự tăng trưởng rõ rệt về nhận thức và đầu tư cho chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.

Phát biểu tại lễ ra mắt Sổ tay Chuyển đổi số, ông Nguyễn Quốc Toản – Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đánh giá đây không chỉ là sản phẩm mang tính chất trí tuệ và thực tiễn mà còn là cách thức xã hội cùng suy nghĩ đến các doanh nghiệp, hộ nông dân, những thực thể kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đang chịu nhiều tác động trong bối cảnh kinh tế thị trường khốc liệt. “Chúng ta đang hướng nền kinh tế có tính minh bạch cao, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, đặc biệt khâu chế biến cần có cùng triết lý giống nhau về thực hiện chuyển đổi số, chính vì thế, sự kết hợp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân là sự mong muốn của chính các nhà hoạch định chính sách”, ông Toản nhấn mạnh.

“Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ không chỉ trên lý thuyết, thực thể nào nắm vững con đường chuyển đổi số một cách bài bản, trọng tâm và trọng điểm sẽ là người đón đầu được cơ hội. Các doanh nghiệp cần có sự tự tin làm giàu bằng nông nghiệp, làm nên giá trị gia tăng bằng chuyển đổi số”, ông Toản nói thêm.

Đồng thời, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cũng mong các đơn vị liên quan tiếp tục đồng hành để tạo dựng được giá trị số của từng sản phẩm, tạo ra một trong những cột trụ của chuyển đổi số nông nghiệp, đó là nông nghiệp - nông dân - nông thôn, thúc đẩy kinh tế số từ người nông dân và từ các doanh nghiệp./.

NLA (Mard.gov.vn)

Bình luận