IRRI đóng góp phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam

Bình luận · 332 Lượt xem

TS Ajay Kohli - Quyền Tổng Giám đốc IRRI: Với mối quan hệ đối tác bền vững từ 1963, IRRI đã và đang giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

 

Góc nhìn về hành động trọng tâm phát triển ngành lúa gạo bền vững

Lúa gạo là vị thế chính trị của Việt Nam trên bản đồ thế giới

Viện Lúa ĐBSCL - Trung tâm khoa học lúa gạo quốc gia

Ngân hàng Thế giới đủ tiềm lực hỗ trợ Việt Nam phát triển lúa gạo

Cuộc kháng chiến chống Mỹ từ 1955 - 1975 đã để lại nhiều gánh nặng cho Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước và người dân, đặc biệt là an ninh lương thực. Chỉ 3 năm sau khi Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) được thành lập ở Philippines vào năm 1960, Việt Nam đã cử nhà khoa học đầu tiên đến làm việc tại viện. Kể từ đó đến nay, Việt Nam và IRRI đã trở thành đối tác góp phần nâng cao sản lượng lúa gạo trong nước. Nhờ nguồn gen do IRRI cung cấp, Việt Nam đã nhanh chóng đạt được nhiều tiến bộ trong sản xuất lúa gạo trong những năm 80, 90 của thể kỷ 20. Trong giai đoạn đó, Việt Nam đã vượt qua nhiều nước châu Á khác và vươn lên trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn vào năm 1989.

Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Chỉ riêng trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo. Do đó, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh gạo toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu gạo.

90% gạo xuất khẩu của Việt Nam được sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long. Tương tự như nhiều khu vực sản suất gạo trên thế giới, đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bị tác động tiêu cực bởi các hoạt động canh tác thâm canh không bền vững, suy giảm tài nguyên và biến đổi khí hậu.

Trong đó, biến đổi khí hậu có lẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi lũ lụt kéo dài và xâm nhập mặn lần lượt là 39% và 44%. Trong năm 2016 và 2020, đồng bằng sông Cửu Long cũng từng hứng chịu những đợt hạn hán lịch sử. Trận hạn hán năm 2020 đã gây ra tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng làm thiệt hại 33.000ha cây lúa. Nếu không có những thay đổi kịp thời trong sản xuất gạo từ nay đến năm 2100, sản lượng gạo của Việt Nam có thể giảm gần 22%.

Hoạt động trồng lúa cũng sản sinh ra lượng lớn khí mê tan, một loại khí nhà kính có ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã ưu tiên phát triển nông nghiệp các bon thấp nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải mê tan vào năm 2030 mà không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo.

Việc đạt được sản xuất lúa gạo xanh và sạch hơn ở đồng bằng sông Cửu Long, dựa trên chuyển đổi sang nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sẽ giúp người nông dân tăng thu nhập và sinh kế, phát triển bền vững và tạo thêm việc làm.  

Nhóm biến đổi khí hậu của IRRI đã nghiên cứu về khả năng phát thải trong sản xuất lúa gạo hơn 20 năm qua và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Dữ liệu và chuyên môn sâu rộng của IRRI đã cho phép cơ quan này phát triển các công nghệ và phương pháp đột phá, sáng tạo để đo lường, phân tích và giảm thiểu phát thải trên các hệ sinh thái và toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo.

Các biện pháp thích ứng như vậy nhằm cải thiện khả năng phục hồi đất khu vực đồng bằng và tăng cường năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội nhằm giảm thiểu tổn thất và thiệt hại trong tương lai đối với ngành lúa gạo do tác động của biến đổi khí hậu.

Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2027 của IRRI phụ thuộc phần lớn vào việc phối hợp với các địa phương và quốc gia nhằm xây dựng các giải pháp cho những thách thức từ cây trồng đến các vấn đề lớn hơn.

Trong đó, kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ (AWD) của IRRI được xem là một trong những giải pháp hiệu quả. AWD là một kỹ thuật tiết kiệm nước ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo, nơi công nghệ này phù hợp, có tính khả thi và tiềm năng áp dụng cao. Quản lý nước là yếu tố quan trọng nhất quyết định lượng khí nhà kính thải ra trong quá trình sản xuất lúa gạo và kỹ thuật AWD đã được kiểm chứng giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo từ 30 - 70% mà không ảnh hưởng đến năng suất.

Công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser là một kỹ thuật sản xuất lúa bền vững giúp quản lý nước kịp thời và hiệu quả trên các cánh đồng được san phẳng để phù hợp với yêu cầu tăng trưởng của cây trồng. Kỹ thuật này tăng hiệu quả sử dụng nước, năng suất cây trồng và chất lượng hạt, đồng thời giảm thiểu các vấn đề do cỏ dại. Công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser đặc biệt hữu ích trong chương trình “Cánh đồng lớn”, một trong những chủ chương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam nhằm mở rộng ruộng lúa hoặc dỡ bỏ bờ bao.

Trước đây, địa hình không bằng phẳng trên các cánh đồng được mở rộng đã gây ra nhiều trở ngại, nguyên nhân do sự chênh lệch độ cao của đất ảnh hưởng xấu đến việc quản lý nước và các đầu vào khác trong sản xuất nông nghiệp.

Cơ giới hóa việc gieo hạt trực tiếp cũng giúp tiết kiệm tài nguyên đáng kể với tỷ lệ gieo hạt ở mức 50 kg/ha, cần ít phân bón hơn 20% và giảm hơn 10% lượng khí thải trên mỗi kg gạo được sản xuất.

Ở nhiều nước sản xuất lúa gạo, người nông dân thường đốt rơm rạ sau thu hoạch để chuẩn bị đất cho vụ sau. Tuy nhiên, điều này có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Hoạt động này tạo ra các chất ô nhiễm như carbon dioxide, carbon monoxide, nitơ oxit và sulfur dioxide gây biến đổi khí hậu. Với khoảng 24 triệu tấn rơm rạ được sản xuất hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc tìm ra giải pháp xử lý rơm rạ thay thế là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Thu gom rơm rạ để trồng nấm rơm là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng đốt rơm sau khi thu hoạch lúa.

Tại Việt Nam, máy đảo trộn biến rơm rạ thành phân hữu cơ đã được phát triển, với sự phối hợp của IRRI. Công nghệ này được phát triển theo dự án "Các phương án quản lý rơm rạ có thể nhân rộng nhằm cải thiện sinh kế, tính bền vững và giảm tác động môi trường trong các hệ thống sản xuất lúa gạo" của IRRI.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và IRRI gần đây cũng đã xây dựng thành công một hướng dẫn kỹ thuật có tên “Sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long”. Nỗ lực này được cho là sẽ có đóng góp cho đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Việt Nam.

Những giải pháp và biện pháp can thiệp trên sẽ chỉ hiệu quả khi xét đến các điều kiện cụ thể của địa phương và những xung đột trong quản lý tài nguyên thiên nhiên ở mỗi quốc gia.

Thông qua Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu (CS-MAP), IRRI và các đối tác có thể áp dụng cách tiếp cận kết hợp giữa kiến thức tham khảo từ địa phương và nghiên cứu khoa học trong việc phát triển các bản đồ về rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và kế hoạch thích ứng cho sản xuất cây trồng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi. Kế hoạch này đã được thực hiện hiệu quả trên 5 khu vực của Việt Nam, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long, giúp nông dân giảm thiểu những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, như lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn.

Tận dụng thế mạnh hiện tại, IRRI cam kết đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu mới, cũng như phát triển các quan hệ hợp tác mới, để tiếp tục phát triển các giải pháp thế hệ mới như canh tác các bon thấp, xây dựng thị trường tín chỉ các bon gạo, hỗ trợ và phân tích chính sách. Đồng thời, IRRI sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế của mình để cùng tạo ra và phổ biến các giải pháp trên quy mô lớn, đồng thời hỗ trợ phát triển và thực hiện các kế hoạch phát triển quốc gia nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với các mối quan hệ đối tác đã được xây dựng bền vững và các giải pháp đã được kiểm chứng, một dòng tiền đầu tư dồi dào và ổn định cho những nỗ lực này có thể thúc đẩy IRRI đóng góp bền vững cho các mục tiêu về nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Việt Nam.

Bình luận