30 học viên của Quảng Trị hoàn thành đào tạo giảng viên sức khỏe cây trồng

Bình luận · 322 Lượt xem

QUẢNG TRỊ Sau 11 ngày tập huấn, 30 học viên từ các đơn vị trong ngành nông nghiệp Quảng Trị đã hoàn thành chương trình đào tạo về quản lí sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Ngày 26/6, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Khu IV (Cục Bảo vệ thực vật) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Quảng Trị tổ chức bế giảng khóa tập huấn nâng cao cho giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM năm 2023.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022 – 2030.

Triển khai khóa học, Trung tâm BVTV vùng Khu IV đã cử 5 giảng viên TOT-IPHM quốc gia trực tiếp giảng dạy. Lớp học có 30 học viên là công chức, viên chức các đơn vị trong ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu tại lễ bế giảng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu tại lễ bế giảng. Ảnh: Võ Dũng.

Với phương pháp đào tạo trao đổi hai chiều, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thực tế, lấy người học làm trung tâm, các học viên đã hoàn thành các nội dung chương trình theo tài liệu hướng dẫn của Cục BVTV biên soạn, tập trung vào 11 chuyên đề và 1 chủ đề đặc biệt.

Trong đó, đáng chú ý là kiến thức, nguyên tắc của IPHM, các yếu tố cấu thành IPHM; sức khỏe cây trồng, động vật, con người và sức khỏe môi trường; chuỗi liên kết sản xuất; quản lý cỏ dại bền vững; thuốc BVTV; biện pháp đấu tranh sinh học; nông nghiệp sinh thái; yêu cầu kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản Việt Nam… và chủ đề đặc biệt hướng dẫn thủy sinh – bể cá mini; đánh giá đất giàu dinh dưỡng và đất nghèo dinh dưỡng.

Qua lớp đào tạo, học viên được bổ sung những kiến thức cơ bản về IPHM, biết cách xây dựng nội dung một lớp huấn luyện nông dân về IPHM trên cơ sở khung của chương trình IPHM đã được Cục BVTV xây dựng. Các học viên cũng được rèn luyện, hoàn thiện các phương pháp huấn luyện, kỹ năng truyền đạt, tuyên truyền, kỹ năng hoạt động nhóm, đào tạo cho người lớn tuổi...

Các nội dung mới của 11 chuyên đề được học viên tiếp thu đầy đủ, thực hành trao đổi, giảng dạy, đưa vào giáo trình lớp huấn luyện nông dân một cách nhuần nhuyễn.

Sau 11 ngày tập huấn, 30 học viên các đơn vị trong ngành nông nghiệp Quảng Trị được trang bị nhiều kiến thức về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Ảnh: Lớp học cung cấp.

Sau 11 ngày tập huấn, 30 học viên các đơn vị trong ngành nông nghiệp Quảng Trị được trang bị nhiều kiến thức về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Ảnh: Lớp học cung cấp.

Song song với lớp đào tạo giảng viên IPHM, Trung tâm BVTV vùng Khu IV phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị cũng mở 1 lớp huấn luyện nông dân (FFS) tại huyện Gio Linh cho 30 học viên là nông dân nòng cốt. Đây sẽ là lớp học hiện trường để sau khi được cấp chứng chỉ IPHM, các học viên của lớp TOT sẽ tiến hành giảng dạy, nâng cao tay nghề.

Qua quá trình đào tạo, các học viên đã tiếp thu, cập nhật tốt các nội dung và kết quả thể hiện rõ trong bài kiểm tra cuối khóa với 100% học viên hoàn thành. Trong đó, gần 87% học viên xuất sắc, không có học viên trung bình.

30 học viên sau khi được công nhận là giảng viên IPHM luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ. Đây sẽ là các nhân tố tích cực để tuyên truyền, nhân rộng chương trình IPHM, là hạt nhân để thực hiện thành công kế hoạch của Bộ NN-PTNT về ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực.

Tại lễ bế giảng, ban tổ chức khóa tập huấn cũng đã trao chứng nhận cho 30 học viên hoàn thành chương trình đào tạo. 

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, địa phương đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, rà soát các đối tượng cây trồng chủ lực, trong đó có cây dược liệu. Hiện nay, địa phương đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV và bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị trao chứng nhận hoàn thành khóa học cho các học viên. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV và bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị trao chứng nhận hoàn thành khóa học cho các học viên. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, phân vô cơ... khiến đất suy thoái. Các loại dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Vì vậy, với việc đào tạo được các giảng viên IPHM, thời gian tới, ngành nông nghiệp Quảng Trị sẽ có nhiều giải pháp để phát triển bền vững.

Tại lễ bế giảng, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Trong thời gian dài, nông dân nhiều vùng lạm dụng hóa chất, đặc biệt là thuốc BVTV hóa học và phân vô cơ... khiến sức khỏe đất cạn kiệt.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lấy năm 2020 là năm quốc tế về sức khỏe cây trồng. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai chương trình đào tạo giảng viên TOT-IPHM. Tuy còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chương trình đào tạo TOT-IPHM đã trang bị những kiến thức rất cơ bản cho các học viên.

Cũng theo ông Dương, đến nay, toàn quốc đã đào tạo được 368  giảng viên TOT - IPHM. Trong đó có 66 giảng viên TOT- IPHM quốc gia.

Chương trình IPHM đang được ngành bảo vệ thực vật tập trung triển khai, lan tỏa trong sản xuất tại các địa phương. Ảnh: LHV.

Chương trình IPHM đang được ngành bảo vệ thực vật tập trung triển khai, lan tỏa trong sản xuất tại các địa phương. Ảnh: LHV.

Những tháng còn lại của năm 2023, chương trình sẽ tiếp tục đào tạo 210 giảng viên được chuyển đổi từ TOT-IPM lên TOT-IPHM. 

Ông Dương hi vọng, sau khi được chuyển đổi lên giảng viên TOT-IPHM, các học viên tốt nghiệp sẽ đồng hành cùng sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Bình luận