Hà Giang: Nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp

Bình luận · 682 Lượt xem

Nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, ngành Nông nghiệp của Hà Giang đang từng bước tạo ra những đột phá nhằm phát triển ổn định và bền vững đối với các


Hà Giang đã có trên 4.240 ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGap

Sau khi triển khai thành công Đề án Tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo tại 6 huyện 30a…. Bên cạnh đó, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn mang tính thương hiệu của địa phương, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã triển khai khai thác các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh nhằm chuyển hướng sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất theo hướng hàng hóa.

Trong những năm qua, các huyện, thành phố trong tỉnh đã đẩy mạnh phát triển và mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng qui mô chăn nuôi gia súc theo hướng an toàn. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, toàn tỉnh Hà Giang đã có 4.240/6.700 ha cam sành, 7.580/18.500 ha chè và hàng nghìn ha rau các loại được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 3.520 ha chè được cấp chứng nhận chè hữu cơ; trồng mới gần 900 ha cây dược liệu và phát triển trên 32.200 đàn ong. Nhiều mô hình phát triển trong nông nghiệp đã có sự liên kết giữa các doanh nghiệp với người nông dân; điển hình như mô hình dồn điền, đổi thửa tại huyện Bắc Quang, Quang Bình; mô hình liên kết trồng mía tại huyện Vị Xuyên; sản xuất mạ khay kết hợp với máy cấy tại huyện Quang Bình; mô hình liên kết trồng dứa tại huyện Vị Xuyên, Bắc Quang…

Bên cạnh đó, nhằm khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khich người nông dân, các HTX, các doanh nghiệp mở rộng phát triển chăn nuôi bò hàng hóa và nuôi ong mật Bạc hà tại 4 huyện Cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ; hỗ trợ và khuyến khích người dân tại 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần tận dụng lợi thế để mở rộng phát triển đàn trâu và đàn dê theo hướng hàng hóa…; điển hình là Nghị quyết số 209/2015NQ - HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Hà Giang đã tập trung phát triển những cây trồng và vật nuôi thế mạnh của địa phương như cam, chè, cây dược liệu và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò và đàn ong theo hướng hàng hóa.

Hiện Hà Giang đã có hàng nghìn hécta chè đạt tiêu chuẩn VietGap

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phục hồi, cải tạo và mở rộng qui mô sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mang tính đặc sản của địa phương như gà xương đen của đồng bào dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh, gạo tẻ Khẩu Mang huyện Đồng Văn, gạo Già Dui huyện Xín Mần, hồng không hạt huyện Quản Bạ…

Ngoài khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hà Giang cũng đã đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo trồng đến các khâu thu hoạch và chế biến. Cho tới thời điểm hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù của Hà Giang như Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, Cam sành, hồng không hạt huyện Quản Bạ đã được xây dựng Chỉ dẫn địa lý; ngoài ra, tỉnh Hà Giang tiếp tục chuyển đổi mô hình các HTX theo Luật HTX năm 2012; duy trì hoạt động của trên 1.250 Tổ Hợp tác để tổ chức lại sản xuất cho người nông dân. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư và liên kết mở rộng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc thù tại các địa phương trên địa bàn của tỉnh

Văn Phú

Bình luận