Qua trao đổi với NNVN, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ cho hay, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” tập trung phát triển cánh đồng lớn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn vườn kém hiệu quả đã tạo được chuyển biến tích cực đối với nhận thức và thu nhập cho người dân.
Ông Hải nhấn mạnh rằng, Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh với mục tiêu phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Thông qua các mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến. Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, liên kết, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên và là mô hình điểm để nhân rộng sau năm 2025.
Kết quả triển khai các đề án nói trên bước đầu đạt được thế nào thưa ông?
Long Mỹ đã phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực đạt 113% kế hoạch. Trong đó bưởi da xanh gần 365ha, mãng cầu 176ha, khóm gần 582ha, chanh không hạt khoảng 127ha từng bước đạt tiêu chuẩn GAP. Triển khai quy hoạch vùng lúa chất lượng cao cơ bản đạt gần 4.000ha, mỗi xã có 1 cánh đồng lớn từ 350 – 500ha.
Còn về Đề án Hậu Giang xanh nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải sản xuất nông nghiệp, cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn để hướng đến xây dựng Hậu Giang “xanh - sạch - đẹp”.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay huyện đã thành lập mới 45 tổ vệ sinh môi trường. Hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các tổ nhằm giúp các tổ duy trì hoạt động, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đầu tư 133 xe để thu gom rác thải trên các tuyến đường dân sinh. Đầu tư 369 thùng chứa rác thải. Trồng 12.000 cây xanh/130km đường tạo cảnh quan môi trường. Sau 2 năm triển khai thực hiện, các Đề án đã được người dân, HTX hưởng ứng tích cực, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Long Mỹ có Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và cũng là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của vùng ĐBSCL với diện tích 5.200ha. Với lợi thế này huyện Long Mỹ đã tập trung nguồn lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư để tạo đà bứt phá như thế nào?
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đi vào hoạt động đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn đối với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đây còn chậm là do giao thông đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Vấn đề này, huyện đã tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến đường trục chính kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch để thu hút đầu tư vào địa bàn. Đến nay cũng có các nhà đầu tư vào. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho người dân kỹ thuật canh tác các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm nâng cao trình độ sản xuất của người dân, giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với các công nghệ trong sản xuất.
Xin ông cho biết thêm về việc triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”?
Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” tập trung phát triển cánh đồng lớn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả đã tạo được những chuyển biến tích cực đối với nhận thức và thu nhập cho người dân. Huyện đã tập trung giảm diện tích sản xuất lúa vụ 3 trên địa bàn huyện, giảm diện tích sản xuất lúa cả năm xuống còn khoảng 41 nghìn ha/3 vụ (giảm hơn 2.500ha so với trước khi thực hiện Đề án).
Đồng thời diện tích sản xuất rau màu toàn huyện trên 3 nghìn ha/3 vụ, với sản lượng đạt 40 nghìn tấn/năm. Về cây ăn trái được xem là cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của huyện sau khi kết thúc đề án huyện đã trồng được 3.500 ha, tăng hơn 6% diện tích, sản lượng đạt 30.000 tấn.
Về lĩnh vực thủy sản của huyện có sự phát triển khá ổn định, diện tích nuôi thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 1.000ha, tổng sản lượng đạt trên 4.000 tấn. Nhìn chung, việc nuôi trồng thủy sản đã có bước chuyển biến mới. Đến nay có nhiều mô hình nuôi thủy sản kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá ruộng, mô hình tôm - lúa, mô hình nuôi lươn không bùn bước đầu cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng.