Xây dựng hợp đồng điện tử để giải quyết tình trạng bẻ kèo, bỏ cọc

Bình luận · 116 Lượt xem

Cần Thơ đang xây dựng hợp đồng điện tử nhằm giải quyết sự lỏng lẻo trong thu mua lúa gạo, giải quyết vấn đề bẻ kèo, bỏ cọc.

 

Nhóm đối tác công tư về lúa gạo thiết lập chương trình hành động

Thắt chặt hợp tác công - tư, tạo đòn bẩy cho ngành lúa gạo

Thu mua lúa non, 'cò' ép giá, bẻ kèo, bỏ cọc

Lái lúa bỏ cọc, nông dân rối bời

Ngày 8/9, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL tổ chức Hội thảo Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và phát triển thương hiệu “Gạo Cần Thơ”.

 

Hội thảo Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và phát triển thương hiệu 'Gạo Cần Thơ'. Ảnh: Kim Anh.

Hội thảo Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và phát triển thương hiệu “Gạo Cần Thơ”. Ảnh: Kim Anh.

 

Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp cho chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của TP Cần Thơ một cách bài bản, chính quy hơn. Đặc biệt là tạo bước chuẩn bị, sẵn sàng tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL vào năm 2024 (Gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

 

Cần Thơ hiện có trên 78.500ha đất trồng lúa, với sản lượng hàng năm trên 1,3 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, bà con nông dân xuống giống trên 216.200ha, vượt kế hoạch đề ra.

 

Hiện Thành phố đã triển khai 140 mô hình cánh đồng lớn, quy mô trên 36.000ha. Diện tích này đã được các doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 50 – 150 đồng/kg.

 

Theo quy hoạch của TP Cần Thơ đến năm 2023, vùng sản xuất lúa hữu cơ khoảng 6.000ha, sản xuất trên nền đất lúa 2 vụ sẽ được hình thành tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Bước đệm này đã tạo thuận lợi cho ngành nông nghiệp Thành phố thực hiện thành công tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

 

TP Cần Thơ đã triển khai 140 mô hình cánh đồng lớn, quy mô trên 36.000ha và được các doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm. 

 

Vừa qua, TP Cần Thơ đã đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 50.000ha trên địa bàn 3 huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.

 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, ông Trần Thái Nghiêm cho biết, ngành nông nghiệp Cần Thơ đang đồng bộ các giải pháp cơ giới hóa, tích hợp vào các gói kỹ thuật gắn với vùng lúa chất lượng cao.

 

Đồng thời, Thành phố đang tập trung xây dựng Đề án tổ khuyến nông cộng đồng, theo hướng gắn khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Trọng tâm là xây dựng hợp đồng điện tử nhằm giải quyết sự lỏng lẻo trong liên kết thu mua lúa gạo giữa doanh nghiệp, thương lái và bà con nông dân, giải quyết vấn đề bẻ kèo, bỏ cọc vẫn thường diễn ra ở các mùa vụ sản xuất.

 

Với sự phối hợp của các chuyên gia từ Viện Lúa ĐBSCL, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang hoàn thiện dự thảo Bộ tiêu chí về chất lượng gạo phục vụ xây dựng nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”.

 

Bộ tiêu chí chủ yếu tập trung vào phẩm chất gạo như: Hình dáng, màu sắc, chiều dài hạt gạo; tỷ lệ gạo; hàm lượng Amylose; mùi thơm cơm… được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của các nhà khoa học, cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh, đại lý, trung tâm giống trên địa bàn TP Cần Thơ.

 

Sở NN-PTNT TP Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL ký kết hợp tác trong những giai đoạn tiếp theo. 

 

Dựa trên những kết quả đánh giá bước đầu, TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, việc đưa ra Bộ tiêu chí về chất lượng khi xây dựng nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ” là cơ sở để xác định phương thức quản lý, đảm bảo lợi ích kinh tế cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh gạo trên địa bàn TP Cần Thơ khi được cấp phép sử dụng nhãn hiệu trong tương lai.

 

Trước đó vào tháng 6/2021, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định 1314/QĐ-UBND về việc giao trực tiếp Viện Lúa ĐBSCL chủ trì thực hiện Dự án nghiên cứu khoa học tuyển chọn giống lúa thơm và chất lượng cao mang nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”.

Bình luận