GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Lĩnh vực nào, ngành nào thì yếu tố con người vẫn đóng vai trò then chốt, quyết định. Đối với quốc gia, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng, đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn lực khác. Trong bối cảnh hiện nay, trước đòi hỏi của cạnh tranh thương mại và hội nhập quốc tế, những yêu cầu đặt ra bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt bởi sự khó lường của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và xung đột… thì ngành nông nghiệp một lần nữa được Đảng, Chính phủ xác định là “lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”, yếu tố đảm bảo an sinh, an toàn và trật tự xã hội.
Có thể thấy rằng, đối với ngành nông nghiệp hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn chuyển nhanh từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp 4.0, nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tri thức dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững. Điều này cho thấy, nhân lực được đào tạo, nhân lực chất lượng cao càng đóng vai trò then chốt trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian vừa qua, dưới sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã đào tạo được một nguồn lực lao động có chất lượng, có tay nghề, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành, của đất nước.
Tuy nhiên, nhiều đánh giá cũng cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành NN-PTNT tuy đông nhưng chưa mạnh, vẫn còn yếu và thiếu, nhất là thiếu chuyên gia, thiếu người dẫn dắt, người có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao, ngoài ra tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn lớn.
Về đào tạo, thông tin từ buổi làm việc giữa Bộ GD-ĐT và Bộ NN-PTNT ngày 21/2/2023 đã cho thấy, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp hiện nay chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước, nhưng sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm.
Giai đoạn 2016-2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011-2015. Trong những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học.
Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển ngành, nhất là trước những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, theo tôi nhà nước, các Bộ, ngành, các cơ sở đào tạo nên triển khai một số giải pháp trọng điểm.
Một là truyền thông phổ biến làm sâu sắc, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo sự thống nhất trong nhận thức của toàn xã hội, từ các cấp, các ngành, các địa phương, từ cơ sở đào tạo đến các trường phổ thông về tầm quan trọng của nông nghiệp đối với đất nước. Cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu nguồn nhân lực, các lĩnh vực mà đất nước đang cần.
Hai là có chính sách khuyến khích sinh viên vào học các ngành xã hội có nhu cầu cao nhưng khó tuyển sinh như Khoa học đất, Nông học, Thủy sản, Công nghệ sau thu hoạch… Đặt hàng giao nhiệm vụ cho các cơ sở có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu hoặc các ngành khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu.
Ba là sớm rà soát quy hoạch các cơ sở đào tạo của Bộ NN-PTNT để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cấp các cơ sở đào tạo đảm bảo đào tạo có chất lượng.
Bốn là các cơ sở đào tạo tập trung rà soát các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, để sinh viên ra trường có chất lượng tốt, tay nghề giỏi, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Rà soát các chương trình đào tạo bám sát với nhu cầu của thị trường.
Năm là bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (chuyên gia, lãnh đạo, kỹ sư…), cũng cần chú trọng đến chất lượng của việc đào tạo, tập huấn ngắn hạn, đào tạo kỹ năng, kiến thức người dân; đào tạo người dẫn dắt tại các cộng đồng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các mô hình cụ thể, có hiệu quả cao.
Sáu là làm tốt công tác kết nối cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - xã hội để đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn.